Thu ngân sách nhà nước đạt khá nhưng không ổn định

Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, mặc dù tiến độ thu NSNN về tổng thể đạt khá, song chủ yếu là vượt thu tiền sử dụng đất, dầu thô, xổ số… Đây là những khoản thu không ổn định, bền vững.

Sáng nay, 16/10/2023, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế – xã hội.

Thường vụ Quốc hội
Thường vụ Quốc hội

Trình bày Tờ trình Báo cáo tóm tắt Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về tình hình giữa kỳ thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, nhìn lại nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam vẫn cơ bản vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,56% khi nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng âm; năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, đạt mức tăng 8,02%;

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; lạm phát được kiểm soát; cơ cấu thu ngân sách tiếp tục được củng cố; bội chi giai đoạn 03 năm ước ở mức 3,6% GDP; các chỉ tiêu an toàn nợ công dự kiến đều trong giới hạn cho phép. Giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy; các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả tích cực.

Chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô được điều hành linh hoạt; cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu. Môi trường đầu tư kinh doanh thay đổi tích cực; năng lực cạnh tranh được cải thiện;

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả tốt. Nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia được đẩy nhanh tiến độ. Công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thi hành pháp luật được đẩy mạnh. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện tốt. Vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được nâng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, đánh giá một số vấn đề: Cơ cấu kinh tế chưa có nhiều thay đổi; Chất lượng thu NSNN còn chứa đựng yếu tố chưa bền vững; Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế vẫn còn hạn chế, tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh vẫn chưa được khắc phục triệt để; Công tác quy hoạch không đạt được các mục tiêu, yêu cầu tại Nghị quyết số 61/2022/QH15;

Các doanh nghiệp sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh – sạch; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại còn chậm, nhất là giải quyết những điểm nghẽn trong phát triển hạ tầng tại các đô thị lớn; Công tác phòng, chống dịch COVID-19 có thời điểm còn bị động, lúng túng; Chưa có nhiệm vụ, sản phẩm khoa học, công nghệ có tính đột phá, tính liên vùng; Việc triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm…

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá một số vấn đề như: Nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế được triển khai chưa nhiều, chưa mang lại những thay đổi đáng kể, có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội phát triển.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Về kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, đề nghị bổ sung đánh giá làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan việc dự kiến khó hoàn thành 13/27 mục tiêu, chỉ tiêu (chiếm 48,1%). Việc thực hiện cơ cấu lại đầu tư công cũng bộc lộ một số bất cập, tiến độ giải ngân  chậm, hiệu quả chưa cao, chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, ảnh hưởng đến tính bền vững của kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công đến năm 2025.

Mặc dù tiến độ thu NSNN về tổng thể đạt khá, song chủ yếu là vượt thu tiền sử dụng đất, dầu thô, xổ số… đây là những khoản thu không ổn định, bền vững; vấn đề dự báo thu và chấp hành chi ngân sách cho đầu tư vẫn luôn là thách thức.

Năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng còn hạn chế; tình trạng “sở hữu chéo”, tài sản bảo đảm được định giá không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp “nội bộ”, “sân sau” còn phức tạp. Cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được ban hành đầy đủ, đồng bộ.

Một số quy định về quản lý kinh tế – xã hội còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Nhiệm vụ phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực còn hạn chế…

Đề nghị Chính phủ tiếp tục quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm tránh thất thoát vốn nhà nước; có kế hoạch cụ thể sử dụng nguồn vốn thu được từ thoái vốn, trong đó ưu tiên vào các công trình quan trọng quốc gia để tạo động lực phát triển và sức lan tỏa cho nền kinh tế. Chính phủ đánh giá cụ thể kết quả cắt, giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính từ năm 2021 đến nay, đặc biệt là kết quả cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; hiệu quả của việc cắt, giảm thủ tục hành chính.

Theo Vnmedia  

Scroll
082 54 55 999
082 54 55 999