Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu dấu hiệu hồi phục

Sau hàng loạt động thái tích cực từ cơ quan quản lý giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và sự cộng hưởng tích cực từ các chính sách tài khóa và tiền tệ, đến nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã có sự phát triển nóng dẫn đến những khó khăn. Đó là những khó khăn liên quan đến nội tại của doanh nghiệp khi huy động lượng trái phiếu lớn trong khi việc sử dụng vốn chưa được hiệu quả.

Bên cạnh đó là khó khăn do ngoại cảnh mang lại, như ảnh hưởng của dịch bệnh, xung đột, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, khó khăn của các nền kinh tế trên thế giới cũng tác động rất nhiều đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và khả năng trả nợ của doanh nghiệp nói riêng.

Trước tình hình đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp rất quyết liệt để bình ổn lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Hiện nay, các bộ, ngành đã và đang nỗ lực tổ chức triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không chỉ trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp, mà còn triển khai các giải pháp đối với thị trường liên thông lẫn nhau với thị trường trái phiếu doanh nghiệp như thị trường bất động sản, thị trường tín dụng, tiền tệ.

Trong số các chính sách đã được ban hành, về mặt luật pháp có thể kể đến Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 5/3/2023 (Nghị định 08). Đây là nền tảng pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và nợ trái phiếu nói riêng.

Kể từ khi Nghị định được ban hành, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu thành công thông qua việc tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ và điều chỉnh tăng lãi suất lên để bù lại quyền lợi của nhà đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp cũng đã thành công trong việc tái cơ cấu lại nợ trái phiếu. Việc doanh nghiệp chủ động đàm phán tái cơ cấu lại nợ doanh nghiệp cũng phần nào đã lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, bên cạnh đó cũng giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian để ổn định lại sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu lại nợ doanh nghiệp để phục hồi.

Từ đầu năm đến ngày 28/7/2023, có 36 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với khối lượng 62,3 nghìn tỷ đồng, chủ yếu của doanh nghiệp bất động sản, tiếp đến là tổ chức tín dụng.

Đáng chú ý, từ thời điểm Nghị định 08 có hiệu lực đầu tháng 3/2023, hơn 61.000 tỷ đồng trái phiếu đã được phát hành. Bên cạnh đó, đã có một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng với khối lượng 6 tháng là 5.900 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu để cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Một số tổ chức phát hành trong lĩnh vực bất động sản đã đạt được thỏa thuận gia hạn thanh toán trái phiếu từ 1 tháng đến 2 năm, lãi suất được thỏa thuận tăng 0,5-3% so với lãi suất ban đầu, ví dụ như Tập đoàn Sovico, Novaland, Hưng Thịnh Land…

Tiếp tục đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô

Đưa ra các kiến nghị về giải pháp ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết, về điều hành chính sách vĩ mô, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định môi trường đầu tư để đảm bảo thực hiện được mục tiêu tăng trưởng như Quốc hội đã giao. 

Cùng với đó, NHNN cần điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế (trong đó tính đến yếu tố thị trường TPDN chưa thể phục hồi được ngay trong năm 2023).  Triển khai các giải pháp thúc đẩy việc phát hành TPDN ra công chúng bên cạnh kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Riêng về tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Tài chính cũng kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS, trong đó đặc biệt là giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý đối với lĩnh vực BĐS, các dự án BĐS để các doanh nghiệp khẩn trương triển khai hoàn thiện dự án, đưa sản phẩm ra thị trường, khôi phục dòng tiền của doanh nghiệp.

Về kiến nghị các giải pháp trong trung, dài hạn, cần rà soát tổng thể, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan (Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng) đối với các quy định về điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ; vấn đề người có liên quan, sở hữu chéo giữa TCTD, CTCK và DN. 

Rà soát, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi của các quy định pháp luật về phá sản doanh nghiệp để các doanh nghiệp có đủ quy trình thực hiện phá sản một cách có trật tự, góp phần đảm bảo sự vận hành lành mạnh và bền vững của thị trường.

Giao Bộ Xây dựng nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền bổ sung quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính trong lĩnh vực xây dựng và BĐS. Phát triển hệ thống các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư (gồm quỹ đầu tư trái phiếu).

Tăng cường nguồn lực, nhân sự cho các cơ quan thanh, kiểm tra của UBCKNN và NHNN để quản lý giám sát và phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trên thị trường chứng khoán, thị trường TPDN. Tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin và giám sát liên thông giữa các Bộ, ngành về ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.

Theo VnMedia

Scroll
082 54 55 999
082 54 55 999