Thị trường chứng khoán là một trong các kênh huy động vốn hiệu quả của nền kinh tế

Lãnh đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước khẳng định, thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục được xem là một trong các kênh huy động vốn hiệu quả của nền kinh tế. 

Tại buổi đối thoại về kinh tế vĩ mô và TTCK do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, bà Vũ Thị Chân Phương – Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), để tăng cường nhà đầu tư tổ chức, UBCKNN sẽ tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư thành lập, rà soát, sửa đổi quy chế, bỏ hạn mức không phù hợp.

Theo bà Vũ Thị Chân Phương, số lượng nhà đầu tư vào chứng chỉ quỹ quý 1/2023 có sự tăng trưởng cao (tổng số lượng 212.636 nhà đầu tư quỹ mở, tăng 18% so với cùng kỳ). Điều này cho thấy nhà đầu tư đang dần quan tâm hơn đến loại hình đầu tư mới, góp phần dịch chuyển từ nhà đầu tư cá nhân sang nhà đầu tư tổ chức. Số lượng quỹ đầu tư chứng khoán mở mới trong năm qua tăng nhanh, từ mức chỉ có 47 quỹ vào năm 2019, thì đến nay là 103 quỹ, tăng gấp 2,19 lần. Dòng tiền thông minh sẽ chảy vào nơi có hiệu quả đầu tư cao hơn.

“UBCKNN cũng sẽ tăng cường giám sát các công ty quản lý quỹ, vừa qua đã rút giấy phép 1 công ty và xem xét rút giấy phép 1-2 công ty nữa nếu không khắc phục được các tồn tại”, bà Vũ Thị Chân Phương cho hay.

Bà Vũ Thị Chân Phương, UBCKNN đang chú trọng đưa ra giải pháp tích cực, nỗ lực khắc phục các tiêu chí mà các đơn vị xếp hạng tín nhiệm đưa ra. Việc nâng hạng thị trường là lộ trình được đưa ra nhưng có nhiều việc UBCKNN cần sự phối hợp của các bộ, ngành.

Lợi ích khi được nâng hạng, theo ước tính của IMF khoảng 70% các quyết định phân bổ vốn vào chứng khoán phụ thuộc vào sự xếp hạng phân loại TTCK. Còn theo World Bank, dự kiến có thể có khoảng 7,2 tỷ USD một năm sẽ đổ vào Việt Nam nếu được nâng hạng thị trường. Một lợi ích nữa là khả năng định giá cổ phiếu được cải thiện, ảnh hưởng tích cực tới công tác cổ phần hóa thoái vốn nhà nước. Nâng cấp thị trường nới nổi cũng dẫn tới nhà đầu tư đa dạng hơn.

“Thời gian qua UBCKNN đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bên liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cuối tháng 8 này, chúng tôi sẽ tổ chức tọa đàm tại Hong Kong (Trung Quốc) và làm việc với các tổ chức xếp hạng để đánh giá tiềm năng để Việt Nam lên thị trường mới nổi”, Chủ tịch UBCKNN nói.

Cũng theo Chủ tịch UBCKNN, có hai nhóm vấn đề trọng yếu cần cải thiện, cần phối hợp các bên có liên quan tiến đến đạt kế hoạch nâng hạng.

Thứ nhất là, vấn đề yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước). Theo đó, đối với yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, hiện tại, Việt Nam vẫn quy định phải bảo đảm đủ tiền và chứng khoán trước giao dịch theo các quy định tại Thông tư 120/2020/TT-BTC; trong khi đó, yêu cầu của các tổ chức xếp hạng thì “Không yêu cầu ký quỹ trước giao dịch”. Do vậy, phương án để có thể tháo gỡ được đặt ra thông qua việc triển khai đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường cơ sở và dần tiến tới giảm ký quỹ trước giao dịch.

Hiện nay, Trung tâm Lưu lý Chứng khoán (VSDC) và Ủy ban Chứng khoán đã chuẩn bị xây dựng mô hình CCP cho thị trường cơ sở, cụ thể: Mô hình 1 là khi ngân hàng lưu ký được chấp thuận là thành viên bù trừ. Mô hình này cần có sự phối hợp của NHNN trong việc sửa đổi quy định liên quan trong lĩnh vực ngân hàng.

Thứ hai là, vấn đề giới hạn sở hữu nước ngoài (thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Đối với vấn đề giới hạn sở hữu nước ngoài, bà Vũ Thị Chân Phương nêu một số giải pháp được đề xuất gồm triển khai chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR); triển khai cổng công bố thông tin giao dịch ngoài biên độ của nhà đầu tư nước ngoài (Foreign Board) với các cổ phiếu hết room ngoại; đẩy mạnh quá trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tăng tỉ lệ cổ phần sở hữu nước ngoài.

“Liên quan đến nâng cao minh bạch, chất lượng hàng hóa cho thị trường, có ý kiến cho rằng cần phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng, thu hẹp riêng lẻ, tôi không hoàn toàn đồng tình, vì việc phát ra công chúng phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn”, Chủ tịch UBCKNN chia sẻ.

UBCKNN luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành ra công chúng, rà soát văn bản quy phạm pháp luật nhưng doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu phát hành ra công chúng nên họ mới không nộp ra công chúng.

Lãnh đạo UBCKNN cũng khẳng định, TTCK tiếp tục được xem là một trong các kênh huy động vốn hiệu quả của nền kinh tế. Trong 5 tháng đầu năm 2023, UBCKNN đã cấp phép/chấp thuận chào bán 4.964,2 tỷ đồng cổ phiếu ra công chúng, 3.064,2 tỷ đồng cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng và 16.100 tỷ đồng trái phiếu (phát hành ra công chúng, chào bán trái phiếu chuyển đổi, chào bán ra nước ngoài của công ty đại chúng).

Theo VnMedia

Scroll
082 54 55 999
082 54 55 999