Tháo gỡ khó khăn Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô

Sáng 17/8, tại trụ sở HĐND – UBND tỉnh Bắc Ninh, Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội họp giao ban tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc tình hình thực hiện dự án. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng – Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo tổng hợp chung về tiến độ triển khai dự án của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có quy mô chiều dài 112,8km đi qua địa bàn của 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh (đoạn trên địa bàn thành phố Hà Nội 58,2km; đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên 19,3km; đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh dài 25,6km và tuyến nối dài 9,7km). Điểm đầu nối cao tốc Hà Nội – Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài – Hạ Long). Tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng với tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Đến nay, 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) đã thu hồi được 1.194,71/1.382,38 ha (86,42%), di chuyển 7.000/16.929 ngôi mộ (41,35%), trong đó: Hà Nội đã thu hồi 694,2/793,8ha (đạt 87,45%), di chuyển 6.262/10.034 ngôi mộ (62,37%); tỉnh Hưng Yên đã thu hồi 192,63/230,19ha (đạt 83,68%), di chuyển 699/4.207 ngôi mộ (đạt 16,6%); tỉnh Bắc Ninh đã thu hồi 307,88/358,39ha (đạt 85,91%), di chuyển 39/2.688 ngôi mộ (đạt 1,5%).

Về cơ bản, công tác giải phóng mặt bằng đã bám sát tiến độ trong kế hoạch chung. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng đối với phần đất ở còn chậm, đặc biệt là việc đầu tư các khu tái định cư. Việc khởi công thi công xây dựng công trình đã được thành phố Hà Nội triển khai đáp ứng tiến độ, nhưng tại Hưng Yên và Bắc Ninh dự kiến chậm hơn khoảng 3-4 tháng.

Về công tác thẩm định Dự án thành phần 3 (dự án PPP), UBND thành phố đã trình Hội đồng thẩm định Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hiện nay, Hội đồng thẩm định Nhà nước đang tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, làm cơ sở UBND thành phố Hà Nội phê duyệt trong tháng 9/2023.

Đáng chú ý, hiện nay, các địa phương chủ yếu mới hoàn thành giải phóng mặt bằng phạm vi đất nông nghiệp. Phần còn lại rất khó khăn vì chủ yếu là đất ở, đất tín ngưỡng, đất hộ gia đình, tổ chức, công trình hạ tầng và 9.929 ngôi mộ… Việc xây dựng các khu tái định cư cần phải đẩy nhanh tiến độ; nếu không đáp ứng yêu cầu tái định cư trong năm nay thì phải có phương án tạm cư. Ngoài ra, công tác thẩm định, việc chuẩn bị các mỏ vật liệu cũng cần được quan tâm sát sao, đẩy nhanh tiến độ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: đây là dự án trọng điểm Quốc gia, đi qua 3 địa phương, quy mô chia làm 3 tiểu dự án thành phần nhưng là các dự án lớn nhất của các địa phương. Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh phối hợp với Bộ Xây dựng thẩm định hồ sơ thiết kết sau thiết kế cơ sở dự án thành phần 2.2 và dự án thành phần 2.3 để đảm bảo khởi công dự án trong tháng 9/2023.

Cùng với đó, các địa phương tập trung cao vào công tác giải phóng mặt bằng các khu tái định cư, bố trí đất ở cho người dân. Trong đó lưu ý phải đầu tư đồng bộ về hạ tầng để tạo thuận lợi cho người dân; giải quyết các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn như đường điện, công trình thuỷ lợi, nước sạch, phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng bảo đảm 100% vào cuối tháng 12/2023 theo Nghị quyết của Chính phủ.

Đối với tái định cư cho các hộ có đất ở, nếu không kịp bố trí tái định cư cho người dân trước Tết Nguyên đán 2024 thì như cách Hà Nội đang thực hiện là tính toán phương án hỗ trợ tạm cư cho người dân.

Về di dời phần mộ, các địa phương phải cùng cố gắng tuyên truyền, vận động để tập trung hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2024; đồng thời quyết tâm hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng dự án trước ngày 31/12/2023.

Về dự án PPP, Ban Chỉ đạo thống nhất giao cho Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn chủ trì báo cáo, làm việc với Hội đồng thẩm định Nhà nước để tháo gỡ các vấn đề liên quan; bao gồm cả việc tách 3 cầu trong phạm vi dự án ra làm dự án “con” để kiến nghị được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công.

Theo VnMedia 

Scroll
0793678999
0793678999