Sửa Luật Thủ đô: Có cơ chế chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân bị thu hồi đất

Bộ Tư pháp cho biết, Dự thảo Luật Luật Thủ đô được chỉnh lý theo hướng: HĐND TP Hà Nội quy định cơ chế chia sẻ lợi ích từ nguồn thu của các dự án giữa doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư thương mại, dịch vụ với nhà nước, người dân có đất bị thu hồi…

Liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất đai trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đóng góp ý kiến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết cơ bản nhất trí với việc quy định theo hướng phân quyền cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội trong việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất, đất trồng lúa, đất xen kẹt sang các loại đất phi nông nghiệp nhằm đơn giản hoá trình tự, thủ tục, tạo sự chủ động, linh hoạt cho Thủ đô.

Trường hợp thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất mà hiện trạng trên đất đó có rừng thì phải thực hiện thêm các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định pháp luật về lâm nghiệp.

Bộ NN&PTNT đề nghị nghiên cứu, thống nhất một thủ tục thực hiện cho hai hoạt động chuyển đổi này (chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng) theo hướng ủy quyền cho HĐND Thành phố Hà Nội thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha (tham khảo, vận dụng Quyết định 14/2022/QĐ-TTg ngày 25/5/2022 quy định thí điểm về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND tỉnh Thanh Hóa, HĐND tỉnh Nghệ An tại các Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 2 để lựa chọn, cụ thể hóa các quy định phù hợp với thực tế của Hà Nội).

Về ý kiến này, Bộ Tư pháp cho biết, để chủ động trong việc thực hiện, dự thảo Luật phân quyền cho HĐND thành phố ban hành trình tự, thủ tục chuyển đổi và cơ chế này cũng đã cho Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng tại Nghị quyết số 98/2023/QH15.

Đóng góp ý kiến, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị sửa khoản 2 Điều 30 như sau: “UBND thành phố Hà Nội xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của Thành phố để áp dụng tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất (không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất) trong trường hợp bảng giá đất đã được xây dựng phù hợp thị trường để áp dụng cho các trường hợp sau đây:”…

thu hồi đất
Ảnh minh họa

Phản hồi ý kiến này, Bộ Tư pháp cho biết, Dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý theo hướng: HĐND thành phố Hà Nội quy định cơ chế chia sẻ lợi ích từ nguồn thu của các dự án giữa doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư thương mại, dịch vụ với nhà nước, người dân có đất bị thu hồi và áp dụng các phương pháp định giá đất theo quy định của Luật Đất đai và phương pháp thặng dư áp dụng đối với đối với thửa đất có tiềm năng phát triển theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc được phép chuyển mục đích sử dụng đất để sử dụng cao nhất và tốt nhất bằng cách loại trừ tổng chi phí ước tính ra khỏi tổng doanh thu phát triển giả định của bất động sản.

Đối với nội dung liên quan đến “đất xen kẹt” tại khoản 5 Điều 30 của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): trong phân loại đất tại Điều 10 của Luật Đất đai 2013 không có quy định về loại đất này.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để thuận tiện trong quá trình áp dụng pháp luật và hiểu một cách thống nhất, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung giải thích về loại “đất xen kẹt” vào Điều 3 về giải thích từ ngữ hoặc Điều 30 về quản lý, sử dụng đất đai của dự thảo Luật; trên cơ sở đó, cùng với Luật Đất đai hiện hành và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang hoàn thiện để quy định về quản lý, sử dụng “đất xen kẹt” cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Phản hồi ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp cho biết, Dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý theo hướng không quy định nội dung này tại dự thảo Luật.

Theo VnMedia 

Scroll
0793678999
0793678999