Sản xuất công nghiệp Việt Nam tiếp tục xu hướng tích cực

Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp – IIP toàn ngành ước giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,2%). Mặc dù vậy, lũy kế tháng so với cùng kỳ năm trước, mức suy giảm trong sản xuất công nghiệp có xu hướng ngày càng thu hẹp.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực

Theo Bộ Công Thương, lần đầu trong 6 tháng gần đây, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam, trong tháng 8/2023 đã tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm (so với mức so với mức 48,7 điểm của tháng 7) cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động xuất khẩu và hoạt động mua hàng đều tăng trở lại… Do vậy, sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực hơn tháng trước, IIP ước tính tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức tăng 4 tháng liên tiếp so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,8%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước nên tính chung 8 tháng, IIP toàn ngành ước giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,2%). Mặc dù vậy, lũy kế tháng so với cùng kỳ năm trước, mức suy giảm trong sản xuất công nghiệp có xu hướng ngày càng thu hẹp. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 0,6% (cùng kỳ tăng 10,1%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,8%; ngành khai khoáng giảm 2,5%. 

Phân theo địa phương, IIP trong 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước (Bắc Giang tăng 16,4%; Phú Thọ tăng 15,7%; Nam Định tăng 13,8%; Kiên Giang tăng 13%; Hải Phòng tăng 12,1%; Phú Yên tăng 11,8%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao (Hậu Giang tăng 183,8%; Thái Bình tăng 91%; Trà Vinh tăng 34,7%).

Chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 9,9%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 8,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 8,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7%; khai thác quặng kim loại tăng 6,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 5,6%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,4%. 

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 3,9%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 4,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 4,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy cùng giảm 4,8%; sản xuất trang phục giảm 5,1%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 6%; sản xuất xe có động cơ giảm 6,5%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2023 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 2,9% so với cùng thời điểm năm trước.

Các nền kinh tế lớn cắt giảm chi tiêu

Đưa ra nguyên nhân của sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu trong 8 tháng qua, Bộ Công Thương cho biết, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da – giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.

Cũng theo Bộ Công Thương, giá hàng hoá xuất khẩu có xu hướng giảm trong 8 tháng năm 2023, trong đó giá một số hàng nông sản giảm mạnh ở mức hai con số so với cùng kỳ năm ngoái như hạt tiêu (giảm 26,5%), cao su (giảm 19,6%), hay một số mặt hàng công nghiệp chế biến như phân bón các loại (giảm 35,4%), sắt thép các loại (giảm 24,8%), chất dẻo nguyên liệu (giảm 24,1%). Chỉ có một số ít mặt hàng có giá tăng gồm cà phê (tăng 8,7%), gạo (tăng 11,6%), than đá (tăng 4,6%).

Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp của ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…

Theo VnMedia 

Scroll
082 54 55 999
082 54 55 999