Sản xuất công nghiệp Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực

Với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp đồng bộ hỗ trợ sản xuất trong nước và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 7 đã có những tín hiệu tích cực.

Theo Bộ Công Thương, mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi, song với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp đồng bộ hỗ trợ sản xuất trong nước và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 7 đã có những tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu trong thời gian qua, trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên đã tác động làm suy giảm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong 7 tháng năm 2023.

Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tăng lên 48,7 điểm trong tháng 7 (so với mức 46,2 điểm của tháng 6; 45,3 của tháng 5 và 46,7 điểm của tháng 4), cho thấy những tín hiệu tích cực khi sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm giảm chậm hơn. Do vậy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7 khởi sắc hơn, IIP tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ. 

Do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu nên tính chung 7 tháng năm 2023, IIP toàn ngành ước giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8,6%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 1% (cùng kỳ tăng 9,5%); ngành khai khoáng giảm 1,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,4%. 

Phân theo địa phương, IIP trong 7 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do: chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 7 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước (Bắc Giang tăng 16,1%; Phú Thọ tăng 15,8%; Kiên Giang tăng 13,9%; Nam Định tăng 13,6%; Phú Yên tăng 12,6%; Hà Nam tăng 11,3%); chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao (Hậu Giang tăng 211,3%; Khành Hòa tăng 89,7%; Thái Bình tăng 82,4%; Trà Vinh tăng 19%; Nam Định tăng 10,9%).

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 7 tháng năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước (Quảng Nam giảm 31,4%; Bắc Ninh giảm 16,7%; Vĩnh Long giảm 15,2%; Sóc Trăng giảm 6,9%; Hòa Bình giảm 4%); ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm (Sơn La giảm 47,5%; Điện Biên giảm 41,1%; Cao Bằng giảm 39,1%; Lai Châu giảm 38,1%; Hà Giang giảm 31,4%; Hòa Bình giảm 29,8%; Quảng Nam giảm 15,9%); ngành khai khoáng giảm (Vĩnh Long giảm 76,5%; Hà Giang giảm 41,6%; Điện Biên giảm 11,1%).

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2023 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 3,9% so với cùng thời điểm năm trước.

Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh

Đưa ra nguyên nhân của sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu trong 7 tháng qua, Bộ Công Thương cho biết, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da – giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.

Cũng theo Bộ Công Thương, giá hàng hoá xuất khẩu có xu hướng giảm trong 7 tháng năm 2023, trong đó giá nhiều mặt hàng nông sản như nhân điều, chè, hạt tiêu, cao su… đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái (như: hạt tiêu giảm 28,4%; cao su giảm 20,6%);

Đặc biệt, giá xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chế biến giảm mạnh ở mức hai con số như: dầu thô giảm 25,2%; xăng dầu các loại giảm 16,9%; Phân bón các loại giảm 36,2%; Chất dẻo nguyên liệu giảm 25,2%; Xơ, sợi dệt các loại giảm 23%; Sắt thép các loại giảm 24,8%…

Bộ Công Thương cho biết, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp của ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…

Theo VnMedia

Scroll
082 54 55 999
082 54 55 999