Lo nợ xấu gia tăng từ các dự án BOT, BT giao thông

Tính đến ngày 30/9, có 22 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, với tổng dư nợ cấp tín dụng là 92.319 tỷ đồng, chiếm 0,72% tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế. Trong đó, nợ xấu chiếm 3,83%, nợ nhóm hai chiếm 26,52%…

Liên quan đến dự án BOT, đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho biết: Tại Nghị quyết số 62 Quốc hội đã giao nhiệm vụ trong năm 2022 giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT. Trong hơn một năm qua, mặc dù Bộ GTVT tải đã nỗ lực triển khai thực hiện, tuy nhiên chưa hoàn thành được nhiệm vụ này do Quốc hội giao.

“Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp và thời gian cụ thể để hoàn thành. Trong đó làm rõ tính khả thi, hợp lý của việc đề nghị tổng mức vốn Nhà nước để xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT là khoảng 10.342.000 tỷ đồng.” – Đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GTVT.

Trả lời ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết: Khi thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội, Bộ Giao thông đã hết sức quyết liệt trong việc phối hợp với các bộ ngành và địa phương để triển khai việc tháo gỡ các cho các dự án BOT đang có vấn đề.

“Cụ thể ở đây là 8 dự án BOT với tổng chi phí dự kiến khoảng hơn 10.000 tỷ. Nội dung này thực tế Bộ GTVT tải cũng đã triển khai từ rất lâu. Tuy nhiên có rất nhiều những vấn đề phức tạp liên quan đến việc tháo gỡ cho các dự án này. Đặc biệt, sau khi Nghị quyết 62 của Quốc hội ban hành Bộ GTVT tải cũng đã trình Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, bất cập cho các dự án này. Sau đó tháng 10 Chính phủ cũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến và Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến tại văn bản số 1834 tháng 11/2022. Trong đó, yêu cầu Chính phủ và Bộ GTVT tải giải trình một số vấn đề tôi cho cũng rất cần thiết. Đó là vấn đề ngoài 8 dự án của Trung ương ra, đối với địa phương có bao nhiêu dự án. Những dự án của địa phương có khó khăn vướng mắc như thế nào, đây cũng là một nội dung cần phải làm rõ.

BOT

Liên quan đến nguồn vốn để giải quyết từ đâu, từ nguồn tăng thu hay từ nguồn đầu tư công, lấy từ đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng GTVT cho biết: Về pháp lý, cả 8 dự án này đều được triển khai trước khi Luật PPP có hiệu lực. Hiện Bộ GTVT đang tiếp tục giải trình với Chính phủ, với các bộ, ngành để từng bước để có thể trình được Quốc hội trong thời gian tới.

“Các dự án này không chỉ liên quan đến nhà đầu tư mà liên quan đến cả các ngân hàng. Cho nên khi làm việc với nhà đầu tư thì chúng tôi làm việc với ngân hàng yêu cầu là nhà đầu tư phải hy sinh lợi nhuận, còn các ngân hàng phải hy sinh lãi suất để bảo toàn và thu hồi vốn. Vấn đề khó khăn về nguồn xử lý, vừa qua Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã họp với Bộ GTVT và các bộ, ngành, Bộ GTVT đã tổng hợp, đã có giải trình cụ thể và sẽ báo cáo Chính phủ trước ngày 15/11. Chúng tôi cũng hy vọng trong thời gian sớm nhất Chính phủ sẽ trình Quốc hội để tháo gỡ cho 8 dự án BOT, trong đó có 5 dự án đề nghị Nhà nước mua lại và 3 dự án đề nghị hỗ trợ. Về tiến độ xin báo cáo với đại biểu Quốc hội cũng tương đối chậm, chúng tôi sẽ cố gắng với trách nhiệm của mình tham mưu cho Chính phủ để sớm trình Quốc hội và giải trình kịp thời khi Thường vụ Quốc hội có ý kiến” – Bộ trưởng Bộ GTVT báo cáo các đại biểu.

Đặt câu hỏi chất vấn tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nhấn mạnh: Hạ tầng giao thông được xác định là một trong ba đột phá chiến lược tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ XIII, các dự án hạ tầng giao thông có tổng mức đầu tư lớn. Vì vậy, bên cạnh nguồn vốn ngân sách, cần huy động thêm các nguồn lực khác để thực hiện.

“Tuy nhiên các dự án giao thông lớn, trọng điểm hiện nay chủ yếu đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công. Một trong các nguyên nhân là do việc huy động nguồn vốn tín dụng ngân hàng còn gặp khó khăn. Thực trạng nêu trên, Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì để tháo gỡ, thu hút các nguồn vốn tín dụng cho đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trong thời gian tới?” – đại biểu Nguyễn Đại Thắng nêu câu hỏi.

Trả lời ý kiến này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Nhu cầu vốn cho những dự án về cơ sở hạ tầng giao thông thường cần một khối lượng vốn rất lớn, với kỳ hạn rất dài. Với tính chất nguồn vốn của hệ thống tổ chức tín dụng là nguồn vốn huy động ngắn hạn thì việc cho vay với khối lượng lớn, dài hạn bị ràng buộc bởi các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phân tích: Vừa qua kinh nghiệm sự đổ vỡ của ngân hàng Mỹ cho thấy, nếu như huy động bằng nguồn vốn ngắn hạn nhưng cho vay trung, dài hạn vượt quá các giới hạn thì có thể gây rủi ro và hệ lụy cho ngân hàng.

Trên thực tế, tính đến ngày 30/9, có 22 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, với tổng dư nợ cấp tín dụng là 92.319 tỷ đồng, chiếm 0,72% tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là nợ xấu chiếm 3,83%, đáng chú ý nữa là nợ nhóm hai chiếm 26,52%, đây là một nhóm nợ sát với nợ nhóm ba được vào nợ xấu.

“Nguyên nhân chủ yếu là các phương án tài chính của các dự án thường không đúng như phương án tài chính xây dựng ban đầu. Đây là một vấn đề cần phải cân nhắc. Bởi vậy, với tính chất nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là số lượng lớn, thời kỳ dài hạn thì chính sách huy động vốn cần phải huy động nhiều nguồn lực tài chính khác, kể cả trong nước và nước ngoài thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu, còn vốn tín dụng ngân hàng cũng thực hiện, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng” – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.

Theo Vnmedia 

Scroll
0793678999
0793678999