Chủ đầu tư dự án điện năng lượng tái tạo sẽ phải đàm phán giá điện với EVN

Theo Bộ Công thương, sau khi kết thúc các cơ chế khuyến khích phát triển, các chủ đầu tư dự án điện năng lượng tái tạo sẽ phải đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khuôn khổ khung giá và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành…

Điện gió ngoài khơi cần giờ

Liên quan đến chính sách chuyển dịch năng lượng và khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo nhằm bảo đảm an ninh năng lượng tại Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Tư pháp cho biết, nội dung của chính sách này là bổ sung quy định chuyển dịch năng lượng và đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn điện năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, trong phần giải pháp lại không nêu cụ thể các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung để thể hiện chính sách này (các ưu đãi, hỗ trợ dành do năng lượng tái tạo) mà lại đề xuất nội dung liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung liên quan.

Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra giải pháp: “Nghiên cứu xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo”, Bộ Tư pháp cho rằng, trong thời gian trước mắt nếu chưa xây dựng được luật về năng lượng tái tạo thì các chính sách phát triển năng lượng tái tạo cần được đề xuất cụ thể trong Đề nghị xây dựng Luật Điện lực.

Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung đề xuất liên quan đến phát triển điện năng lượng tái tạo trong dự thảo Luật Điện lực.

Tiếp thu ý kiến này, Bộ Công thương cho biết sẽ không đề xuất nội dung chính sách chuyển dịch năng lượng và đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT).

 Lý giải cho điều này, Bộ Công thương cho rằng, các chính sách/quy định khuyến khích phát triển được áp dụng trong thời gian qua chỉ nên được áp dụng trong thời gian nhất định để hỗ trợ/khuyến khích đầu tư vào nguồn điện NLTT.

Trong bối cảnh hiện nay, giá điện NLTT trên thế giới có xu hướng ngày càng giảm, qui mô ngày càng mở rộng, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu nguồn điện quốc gia. Thị trường công nghệ, thiết bị điện gió đã trở nên cạnh tranh hơn, việc xem xét, chuyển dịch sang chính sách phát triển theo hướng tiệm cận thị trường là phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới. Do vậy, việc duy trì tiếp tục các chính sách hỗ trợ nêu trên không còn phù hợp.

Theo Bộ Công thương, việc xác định giá bán điện các dự án điện NLTT sẽ áp dụng tương tự như các dự án điện khác như thủy điện, nhiệt điện. Các ưu đãi đầu tư khác đã được quy định tại Luật Đầu tư.

“Bộ Công Thương thấy rằng sau khi kết thúc các cơ chế khuyến khích phát triển theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và cả các dự án điện NLTT trong tương lai cũng sẽ phải thực hiện theo cơ chế: các chủ đầu tư dự án đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong khuôn khổ khung giá và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành để đảm bảo tuân thủ Luật Điện lực, Luật Giá và các văn bản liên quan để đảm bảo tính đồng nhất của hành lang pháp lý.” – Bộ Công thương nêu quan điểm xây dựng Luật Điện lực.

Góp ý cho nội dung này, Bộ Tài chính cho biết, hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, không đồng bộ giữa các quy định của pháp luật liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế áp dụng giá điện đối với các dự án năng lượng tái tạo.

Do đó, đề nghị Bộ Công Thương cần rà soát, đánh giá tổng kết báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong triển khai thực hiện.

Phản hồi ý kiến này, Bộ Công thương cho hay, Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật Điện lực năm 2004 giai đoạn 2005 – 2020 đã nêu các kết quả thực hiện cơ chế giá FIT và các vướng mắc, không đồng bộ giữa các quy định của pháp luật liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư.

Theo VnMedia

Scroll
082 54 55 999
082 54 55 999