Tính đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%. NHNN đã 4 lần liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.
-
Ngân hàng nhà nước: Giải đáp, hướng dẫn thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN
-
Loạt ngân hàng kéo giảm lãi suất tiết kiệm về mức thấp nhất lịch sử
Chiều ngày 21/9, Tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), NHNN đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ngành ngân hàng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Hồng – Thống đốc NHNN cho biết, trong năm 2022, trước những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức cao, lạm phát trong tầm kiểm soát, thị trường tiền tệ ngoại hối ổn định, tỷ giá, lãi suất được điều hành phù hợp, VND là một trong những đồng tiền ổn định trên thế giới và khu vực, mặt bằng lãi suất giảm dần… những thành quả đó được các nhà đầu tư trong nước, thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, bối cảnh trong nước đang ở giai đoạn vô cùng khó khăn, thách thức.
Với những tác động từ trong và ngoài nước khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chậm lại đã làm giảm khả năng hấp thụ vốn của DN, khiến tăng trưởng tín dụng chậm. Do vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ cũng không nằm ngoài thách thức đó.
“Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, DN, ngành Ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn TP.Hà Nội. Tôi hy vọng rằng với những giải pháp của ngành ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND, HĐND, cùng với các Sở, ban, ngành, các Hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội bền vững”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN
Báo cáo tại Hội nghị, bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – NHNN cho biết, từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 của toàn ngành khoảng 14-15%. Tính đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%. NHNN đã 4 lần liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1% so với cuối năm 2022.
Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nợ và giữ nguyên nhóm nợ (Thông từ 02) cũng góp phần hỗ trợ các ngân hàng có nguồn lực và DN có cơ hội tiếp cận vốn tín dụng. Đến cuối tháng 8, tổng giá trị nợ (gốc +lãi) được cơ cấu thời đạt gần 121.000 tỷ đồng, với gần 124.000 lượt khách hàng.
Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 cũng đạt doanh số gần 155.000 tỷ đồng vào cuối tháng 7, dự nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 56.000 tỷ đồng cho hơn 2.100 khách hàng, số tiền hỗ trợ lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 681 tỷ đồng.
Theo bà Hà Thu Giang, dù toàn ngành Ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới ngành Ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực. Cụ thể:
Một là, tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của Thành phố.
Hai là, tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, chỉ đạo tổ chức tín dụng tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, trọng tâm là Chương trình hỗ trợ lại suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại, các Chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực; Kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; kiểm soát chất lượng tín dụng và ngăn ngừa nợ xấu.
Ba là, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu; rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân; Chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng.
Bốn là, tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023.
Năm là, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp…