Nhà phân tích Tshepo Kgadima cho rằng Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra một loại tiền tệ chung cho nhóm BRICS gồm các nền kinh tế mới nổi lớn.
NDB có trụ sở tại Thượng Hải là một tổ chức phát triển tài chính đa phương được thành lập vào năm 2014 bởi các quốc gia BRICS – Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Theo nhà phân tích kinh tế và năng lượng độc lập Kgadima, việc làm cho ngân hàng BRICS trở nên hùng mạnh hơn sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên, nhưng trước tiên bản thân nhóm này phải được “thể chế hóa” và đưa ra các điều lệ.
Vị chuyên gia nói trên đã nói với tờ RT bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg rằng: “Việc biến BRICS thành một cơ quan điều lệ sẽ tạo động lực cho các cuộc đàm phán về đồng tiền BRICS”.
Theo ông Kgadima, quá trình phi đô la hóa đã bắt đầu và sẽ giúp các nước BRICS hướng tới một loại tiền tệ chung, “nơi họ có thể tác động trực tiếp và cũng có thể kiểm soát về cơ cấu kinh tế của quốc gia mình”.
Đồng thời, ông Kgadima tuyên bố sẽ phải mất ít nhất 10 năm trước khi một đồng tiền chung BRICS có thể xuất hiện.
“Thay vì nói về đồng tiền chung BRICS, tại thời điểm cụ thể này, các nhà lãnh đạo có thể cân nhắc việc sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc làm tiền tệ thanh toán thương mại cũng như cho vay và đầu tư”, nhà kinh tế này gợi ý.
Ông Kgadima giải thích rằng đồng nhân dân tệ đã được đưa vào rổ tiền dự trữ toàn cầu, đồng thời việc tạo ra một đồng tiền hợp pháp mới từ đầu sẽ có khả năng gây ra những rắc rối đáng kể với ngân hàng trung ương của các nước BRICS.
Ông Kgadima tin rằng bằng cách sử dụng đồng tiền của Trung Quốc, BRICS cũng sẽ giúp các quốc gia thành viên thoát khỏi tình trạng hỗn loạn kinh tế.