Luật Thủ đô (sửa đổi) cần phân cho HĐND thành phố thuộc thành phố Hà Nội thẩm quyền vượt trội so với thẩm quyền của chính quyền quận, huyện…
Góp ý cho Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, dự thảo Luật quy định một số thẩm quyền đặc thù cho HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội trong tổ chức bộ máy (như: quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù thuộc UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội; điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố thuộc thành phố; tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố thuộc thành phố).
Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc chưa quy định cụ thể thẩm quyền của HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội trong Luật Thủ đô mà nên giao Chính phủ quy định chi tiết. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, thành phố thuộc thành phố Hà Nội vẫn chưa được thành lập nên chưa có căn cứ để xác định thẩm quyền phù hợp với chức năng riêng của từng thành phố.
Gửi ý kiến đóng góp, Thanh tra Chính phủ cho biết: Tại Điều 14 dự thảo Luật quy định về thẩm quyền vượt trội của HĐND thành phố thuộc thành phố Hà Nội so với thẩm quyền của chính quyền quận, huyện. Tuy nhiên, hiện nay HĐND thành phố thuộc thành phố Hà Nội chưa được thành lập nên đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc không đưa quy định này vào dự thảo, trường hợp cần thiết cần điều chỉnh trong thời gian tới, đề nghị đưa vào dự thảo theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết.
Phản hồi các ý kiến trên, Bộ Tư pháp cho biết, về mô hình chính quyền thành phố thuộc Thành phố Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của UBTVQH về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, có hiệu lực kể từ ngày 25/5/2016, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của UBTVQH có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023 đã quy định cụ thể về mô hình, điều kiện thành lập.
“Tuy nhiên mô hình trong luật hiện hành không phù hợp với quy mô, tính chất, nhiệm vụ của thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương” – Bộ Tư pháp nêu ý kiến và cho biết, từ kinh nghiệm của thành phố Thủ Đức, tại Luật này, cần phân quyền mạnh cho thành phố thuộc thành phố Hà Nội trong một số lĩnh vực cụ thể ngoài thẩm quyền chung như các quận, thị xã khác.
Ảnh minh họa |
Theo đó, để các thành phố thuộc thành phố Hà Nội có thẩm quyền đủ mạnh, tạo được sự chủ động thì dự thảo Luật cần phân cho HĐND trong việc quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù thuộc UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội; phân quyền cho UBND thành phố thuộc Thành phố Hà Nội trong việc: Điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội; Quy định số lượng, tên gọi, chức năng, nhiệm vụ cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc thành phố thuộc thành phố Hà Nội; Tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức cho các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố thuộc thành phố Hà Nội; phân quyền trong thực hiện quản lý ngân sách, quản lý đầu tư, quy định nguyên tắc về tổ chức bộ máy…
Góp ý cho Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Ban Nội chính Trung ương cho biết, về phân cấp, ủy quyền (Điểm d, Khoản 1 và Điểm a, Khoản 2, Điều 11), Ban Nội chính tán thành quy định theo hướng cho phép UBND thành phố Hà Nội được phân cấp hoặc ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn cho các tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố Hà Nội, cơ quan chuyên môn quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc thành phố Hà Nội.
Đồng thời, cho phép cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố Hà Nội, quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc thành phố Hà Nội được ủy quyền việc giải quyết một số thủ tục hành chính cho UBND hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp dưới.
Ban Nội chính Trung ương cũng đồng ý quy định cho phép Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có thể ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức hành chính khác thuộc thành phố Hà Nội thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc hành chính nhà nước, cùng với việc phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan, tổ chức không phải cấp dưới trực tiếp, Ban Nội chính Trung ương đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung các quy định về xử lý mối quan hệ về trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức được ủy quyền với cơ quan, tổ chức là cấp trên trực tiếp không phải là cơ quan quyết định phân cấp, ủy quyền.
Phản hồi ý kiến này, Bộ Tư pháp đề nghị được quy định như dự thảo Luật. Theo Bộ Tư pháp, dự thảo Luật chỉ quy định nội dung đặc thù, khác với quy định hiện hành (dự thảo Luật quy định về phạm vị, chủ thể ủy quyền), còn các nguyên tắc về ủy quyền khác như vẫn chịu trách nhiệm về việc ủy quyền, thời hạn ủy quyền, việc ủy quyền phải lập thành văn bản, bảo đảm các điều kiện để người được ủy quyền có thể thực hiện việc ủy quyền… thì thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương nên không quy định lại tại Dự thảo.