Xác định rõ phạm vi độc quyền nhà nước trong truyền tải điện

Bộ Tài chính đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng xác định rõ phạm vi độc quyền nhà nước trong lĩnh vực lưới điện truyền tải và phạm vi khu vực tư nhân được phép đầu tư….

Góp ý cho Hồ sơ xây dựng Luật Điện lực, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang lấy ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan (trong đó có Bộ Công Thương) để hoàn thiện Kết luận thanh tra Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh).

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu toàn diện, tiếp thu các ý kiến kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ trong phạm vi quản lý ngành để đề xuất các giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả đồng thời sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Điện lực, Quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp, góp phần xoá bỏ các bất cập, chồng chéo về pháp lý cũng như cơ chế, chính sách.

Phản hồi ý kiến này, Bộ Công Thương cho biết, Dự thảo kết luận của Thanh tra Chính phủ đánh giá việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý thực hiện quy hoạch và đầu tư theo Quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VII điều chỉnh không có nội dung đề xuất cụ thể về hoàn thiện Luật Điện lực. Tuy nhiên, trên cơ sở các ý kiến kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương đã tiếp thu và đề xuất một số cơ chế trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi).

Cụ thể, rà soát các công trình điện theo quy hoạch, báo cáo thực hiện quy hoạch, xử lý các dự án điện chậm tiến độ, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch và đầu tư.

Truyền tải điện
Bộ Tài chính đề nghị xác định rõ phạm vi độc quyền nhà nước trong lĩnh vực lưới điện truyền tải và phạm vi khu vực tư nhân được phép đầu tư

Cũng trong phần góp ý của mình, Bộ Tài chính đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng xác định rõ phạm vi độc quyền nhà nước trong lĩnh vực lưới điện truyền tải và phạm vi khu vực tư nhân được phép đầu tư nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về an ninh, an toàn điện lực để đẩy mạnh việc thu hút các nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, giảm áp lực đầu tư đối với nguồn vốn Nhà nước đồng thời tạo tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật khác.

Trả lời ý kiến này của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho biết, ngày 11/01/2022, Quốc hội đã thông qua Luật số 03/2022/QH15 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Tại Điều 6 Luật số 03/2022/QH15 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực về: “thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng” và “Nhà nước độc quyền trong các hoạt động sau đây:… Vận hành lưới điện truyền tải”.

“Như vậy, Luật Điện lực không quy định phạm vi độc quyền nhà nước trong đầu tư lưới điện truyền tải.” – Bộ Công Thương khẳng định.

Cũng theo Bộ Công thương, sau khi Luật số 03/2022/QH15 ban hành, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BCT ngày 30/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017/TT-BCT ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt giá truyền tải điện để làm cơ sở cho các đơn vị tư nhân khi tham gia vai trò là Đơn vị truyền tải điện như đơn vị ngành điện sẽ đảm bảo thu hồi đủ chi phí hợp lệ và có lợi nhuận cho phép để vận hành lưới truyền tải điện đạt chất lượng quy định và đáp ứng các chỉ tiêu tài chính cho đầu tư, phát triển lưới truyền tải điện. Do đó, yếu tố giá truyền tải là vấn đề chính để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải.

Ngoài ra, theo quy định Luật Quy hoạch, sau khi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ lập Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định danh mục dự án gồm sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử dụng vốn khác ngoài đầu tư công.

“Do đó, không chỉ riêng dự án lưới điện truyền tải mà tất cả các dự án điện (gồm nguồn và lưới) sẽ cần đánh giá trên cơ sở nguồn lực của nhà nước (thông qua các Tập đoàn/Doanh nghiệp nhà nước) và các tiêu chí khác (nếu có) để xác định các dự án nào do nhà nước hay tư nhân thực hiện trong thời kỳ quy hoạch, nhằm đáp ứng các yêu cầu về an ninh, an toàn điện lực.” – Bộ Công Thương giải thích.

Trong một ý kiến khác đóng góp cho Hồ sơ xây dựng Luật Điện lực, Bộ Tài chính đề nghị rà soát, đánh giá thực trạng vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các chính sách quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực như: Lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án thuộc danh mục trong Quy hoạch đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án điện; Việc triển khai các dự án lưới điện đi qua địa bàn nhiều tỉnh/thành phố; Tình trạng nhiều nhà đầu tư đề xuất bổ sung quy hoạch các dự án điện không trong thời kỳ rà soát, bổ sung quy hoạch dẫn đến phá vỡ tính ổn định của quy hoạch…

“Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất bổ sung, sửa đổi các chính sách đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ cũng như hiệu lực, hiệu quả trong quá trình quản lý quy hoạch và đầu tư các dự án điện.” – Bộ Tài chính kiến nghị.

Với ý kiến này, Bộ Công Thương cho biết, nội dung đánh giá thực trạng vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các chính sách quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực như ý kiến của Bộ Tài chính đã được nêu cụ thể tại Phần III Báo cáo tổng kết thi hành Luật Điện lực.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã đề xuất một số cơ chế để tăng cường quản lý nhà nước trong công tác quy hoạch, đầu tư các dự án điện tại Chính sách 01 và Chính sách 03. Trong đó, các quy định thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển điện lực đề xuất tại Luật Điện lực đã rà soát để không chồng lấn với các quy định tại Luật Quy hoạch.

Đối với đề xuất bổ sung quy định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án điện năng lượng tái tạo, trên cơ sở góp ý của Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương đã bỏ đề xuất chính sách này do: tại Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020 quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư; Luật Đấu thầu năm 2013 và Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) (Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng 5 năm 2023) đã có quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư.

Theo VnMedia 

Scroll
0793678999
0793678999