VNG: Siêu lợi nhuận trong nước, ôm “núi tiền” ra nước ngoài rồi thua lỗ

Dù đang đi lùi với những khoản lỗ lớn nhưng trước đây, Tập đoàn VNG (mck: VNZ) là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi đạt tới mức siêu lợi nhuận. Sau đó, công ty ôm tiền đầu tư vào các công ty ở nước ngoài, để rồi thua lỗ lớn.

Minh họa
Tập đoàn VNG. Ảnh minh họa

Thua lỗ

Công ty cổ phần VNG trước đây được biết đến với cái tên Vinagame. Bùng nổ trong lĩnh vực game, VNG từng được định giá là một trong những kỳ lân hiếm hoi ở Việt Nam. Có được điều đó là do VNG đạt mức siêu lợi nhuận. Với số vốn chỉ vài trăm tỷ đồng, VNG đã tích lũy được vốn chủ sở hữu lên đến hơn 5.000 tỷ đồng.

Cụ thể, trong năm 2017, VNG ghi nhận lợi nhuận lên tới 938 tỷ đồng, cao gấp 2,8 lần Vốn cổ phần. Điều đó có nghĩa 1 đồng vốn của cổ đông có thể sinh ra gần 3 đồng lãi ròng. Đây là điều rất ít doanh nghiệp có thể làm được.

Tuy nhiên, kể từ năm 2018, VNG chứng kiến lợi nhuận sụt giảm sâu dù doanh thu tăng mạnh. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 của VNG chỉ còn 333 tỷ đồng, giảm 605 tỷ đồng, tương đương 64,5% so với năm 2017 dù doanh thu tăng nhẹ từ 4.267 tỷ đồng lên 4.317 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ năm 2020, VNG đã nếm mùi thua lỗ với các khoản lỗ, lần lượt: 90 tỷ đồng (quý 1/2023), 547 tỷ đồng (quý 4/2022), 255 tỷ đồng (quý 3/2022), 372 tỷ đồng (quý 2/2022), 130 tỷ đồng (quý 1/2022), 268 tỷ đồng (quý 4/2021), 26,6 tỷ đồng (quý 1/2021), 223 tỷ đồng (quý 4/2020).

Tính tới ngày 31/12/2022, VNG lỗ lũy kế 1.077 tỷ đồng.

Tới quý 2/2023, VNG bất ngờ có lãi trở lại. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của công ty đạt 50,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm, VNG vẫn lỗ 40 tỷ đồng, giảm sâu so với khoản lỗ hơn 500 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, VNG ghi nhận doanh thu tăng trưởng dương khi đạt 2.246 tỷ đồng, tăng 249 tỷ đồng, tương đương 12,5% so với quý 2/2022; lũy kế 6 tháng đầu năm tăng từ 3.664 tỷ đồng lên 4.098 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp quý 2/2023 của VNG vẫn là con số ngàn tỷ khi đạt 1.099 tỷ đồng, tăng 224 tỷ đồng, tương đương 25,6% so với quý 2/2022; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 1.946 tỷ đồng, tăng 346 tỷ đồng, tương đương 21,6% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể thấy hoạt động chính của VNG vẫn tăng trưởng tốt. Công ty thua lỗ trong 6 tháng đầu năm khi phải gánh tới 1.098 tỷ đồng lỗ từ công ty liên kết, giảm đáng kể so với lỗ 1.315 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2022.

Ôm tiền ra nước ngoài rồi thua lỗ

Tại ngày 30/6/2023, VNG ghi nhận 1.458 tỷ đồng Đầu tư tài chính dài hạn, trong đó có tới 1.229 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên kết, tăng nhẹ so với 1.175 tỷ đồng hồi cuối năm 2022.

Tuy nhiên, các công ty liên kết lại là nguyên nhân chính khiến VNG thua lỗ. Trong 6 tháng đầu năm 2023, VNG đã phải dành 49,5 tỷ đồng Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn, tăng mạnh so với 2,4 tỷ đồng hồi cuối năm 2022.

Dù Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn đã tăng mạnh nhưng dường như nó vẫn chưa “tương xứng” với khoản lỗ khổng lồ mà dòng vốn này gây ra.

Trong quý 2/2023, Phần lỗ trong công ty liên kết là 554 tỷ đồng, giảm mạnh so với 746 tỷ đồng của quý 2/2022; lũy kế 6 tháng đầu năm lỗ 1.098 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 1.315 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Hồi cuối quý 2/2023, giá trị đầu tư vào công ty liên kết của VNG đạt 1.908 tỷ đồng nhưng giá trị còn lại chỉ là 1.229 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 679 tỷ đồng. Nguyên nhân là do một số công ty liên kết (chủ yếu được đặt ở nước ngoài) thua lỗ lớn.

Cụ thể, VNG đã đầu tư 510 tỷ đồng vào Tiki Global Pte.Ltd (Singapore); 33,1 tỷ đồng vào Rocketeer Holding Limited (đảo Cayman); 35,3 tỷ đồng vào Beijing Youtu (Bắc Kinh, Trung Quốc); 515 tỷ đồng vào Teilo (Singapore) và 513 tỷ đồng vào Funding Asia (Singapore).

Khoản đầu tư vào Tiki Global Pte.Ltd thu về khoản thua lỗ lớn nhất khi giá trị còn lại của khoản đầu tư này chỉ còn 0 đồng. Khoản đầu tư vào Telio cũng hao hụt khi giá trị còn lại chỉ là 417 tỷ đồng. Giá trị còn lại tại Funding Asia cũng chỉ là 444 tỷ đồng.

Theo VnMedia 

Scroll
0793678999
0793678999