Bộ Tài chính không chấp thuận các ứng dụng phân phối vé xổ số hiện có trên điện thoại (IOS, CHPlay) thế nhưng lại yêu cầu Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) có kế hoạch quảng bá, truyền thông để gia tăng sự phổ biến của ứng dụng Vietlott SMS. Vậy, Vietlott SMS là sản phẩm do ai tạo ra và đứng sau đã trở thành chủ đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Thế độc quyền của Vietlott SMS
Ở Việt Nam, hiện có 63 Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 01 Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott).
Đối với xổ số kiến thiết, tại Điều 12 Thông tư 75/2013/TT-BTC quy định chỉ được phân phối theo hai phương thức “bán trực tiếp cho khách hàng” và “thông qua hệ thống đại lý xổ số”. Thông tư này cũng quy định “không được phân phối qua các kênh: điện thoại (cố định, di động), các thiết bị điện tử, internet và phương tiện viễn thông khác”;
Đối với xổ số điện toán Vietlott, tại Điều 9 Thông tư 36/2019/TT-BTC quy định các phương thức phân phối vé xổ số gồm “bán trực tiếp cho khách hàng thông qua thiết bị đầu cuối”, “thông qua điện thoại cố định và điện thoại di động” và “thông qua internet”. Phương thức thông qua internet “chỉ được thực hiện sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận”.
Để sử dụng Vietlott SMS, người dùng vẫn phải tải ứng dụng Vietlott SMS về điện thoại, cài đặt, chọn các bộ số theo từng sản phẩm, sau đó đặt mua thì ứng dụng SMS mới tạo ra tin nhắn tự động để gửi đi đặt hàng.
So sánh các ứng dụng có thể thấy, các kênh trung gian, ứng dụng mua hộ vé số hiện có trên điện thoại di động (IOS, CHpaly) nói chung và kênh phân phối Vietlott SMS về bản chất là giống nhau.
Các thao tác mua vé đều phải thực hiện trên điện thoại (có kết nối internet hoặc dữ liệu 3G 4G 5G). Đều là ứng dụng trên điện thoại di động, đều sử dụng internet, các thuật toán, thông qua ứng dụng để nhận đơn hàng từ người chơi, sau đó phát hành vé vật lý.
Hai hình thức này khác nhau về tên gọi và 01 bên là ứng dụng mua hộ qua SMS được Vietlott cho phép, 01 bên là các ứng dụng mua hộ chưa được Vietlott cho phép nhưng có phát hành vé vật lý ghi đầy đủ thông tin khách hàng và có thể kiểm tra kiểm soát.
Quy định “không được phân phối qua các kênh: điện thoại (cố định, di động), các thiết bị điện tử, internet và phương tiện viễn thông khác” và “chỉ được thực hiện sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận” tại 02 Thông tư nêu trên đang thực sự là rào cản, gây khó khăn cho doanh nghiệp, không còn phù hợp nữa mà cần phải thay đổi để bắt nhịp với thị trường và tinh thần chuyển đổi số quốc gia đã được Bộ Chính trị thông qua.
Thế nhưng, tại văn bản số 9110/TB-TCNH gửi UBND các tỉnh, thành về chấn chỉnh hoạt động phân phối vé xổ số kiến thiết qua internet, Bộ Tài chính khẳng định các hình thức qua mạng internet là vi phạm.
Mặt khác, Bộ này lại ban hành văn bản số 9111/TB-TCNH gửi Vietlott với yêu cầu “có kế hoạch quảng bá, truyền thông để gia tăng sự phổ biến của ứng dụng Vietlott SMS”.
Bộ Tài chính có thực sự khách quan, có đảm bảo yếu tố cạnh tranh theo Luật định không khi một mặt không thừa nhận ứng dụng của các doanh nghiệp hiện có trên thị trường, một mặt lại yêu cầu đẩy mạnh quảng bá ứng dụng của doanh nghiệp ngoài nhà nước là Vietlott SMS? Nói cách khác, việc ban hành các văn bản như trên liệu có phải là chiêu thức “dẹp đường” cho Vietlott SMS giữ thế độc quyền?
Có hay không lợi ích nhóm?
Vietlott SMS là sản phẩm của ai? Được biết, vấn đề hợp tác, xây dựng ứng dụng phân phối vé xổ số đã được Công ty cổ phần Viễn Thông – Tin học Bưu Điện đưa ra tại đại hội cổ đông năm 2020.
Ngày 24/4/2020, ông Nguyễn Trí Dũng – khi ấy là Chủ tịch HĐQT đã ký Nghị quyết số 03/NQQ/HĐQT-CTIN về Hợp tác với Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông Việt Nam và tỷ lệ sử dụng vốn tự có để đầu tư hệ thống thiết bị phụ vụ hoạt động kinh doanh đại lý phân phối xổ số tự chọn số điện toán qua điện thoại di động (hình thức SMS).
Để thực hiện được dự án, ngày 24/11/2020, Công ty cổ phần Viễn Thông – Tin học Bưu Điện đã ký Hợp đồng số 01/HĐĐLĐT/VIETLOTT-MOBIFONE-CTIN với Tổng Công ty viễn thông Mobifone và Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam; ngày 19/12/2020 ký Hợp đồng số 02/2020/HĐĐLĐT/VIETLOTT-VNPTMEDIA-CTIN với Tập đoàn bưu chính Viễn thông Việt Nam và Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV xổ số điện toán Việt Nam cũng đã ký hợp đồng với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội và Công ty cổ phần Đầu tư kỹ thuật số Việt. Sau ký kết, các bên đã cùng tạo ra: Vietlott SMS.
Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước, chủ sở hữu là Bộ Tài chính, với vốn điều lệ là 500 tỷ đồng, chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Thanh Đạm. Ông Nguyễn Thanh Đạm từng có 16 năm làm việc tại Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính), từng giữ chức Trưởng phòng Xổ số và các trò chơi có thưởng;
Công ty cổ phần Viễn Thông – Tin học Bưu Điện là doanh nghiệp chỉ có 31% vốn của nhà nước (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam), còn lại là vốn ngoài nhà nước với các cổ đông lớn gồm các ông/bà: Hà Thanh Hải (chiếm 12.94%), Hoàng Anh Lộc (chiếm 10.94%), Nguyễn Thế Thịnh (chiếm 10.31%). Xin nói thêm rằng, trên báo cáo tài chính thể hiện, doanh nghiệp này có khoản thu trước ngắn hạn tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam 358 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội 257 tỷ đồng, Tổng Công ty viễn thông Mobifone 101 tỷ đồng).
Còn Công ty cổ phần đầu tư kỹ thuật số Việt: Có các cổ đông gồm Công ty cổ phần Viễn Thông – Tin học Bưu Điện (chiếm 40%), Hoàng Anh Lộc (chiếm 10%), Lê Phương (5%), Phạm Quang Anh (5%). Giữa 02 doanh nghiệp này đều có chung lãnh đạo là ông Hoàng Anh Lộc.
Về cơ bản, Công ty cổ phần Viễn Thông – Tin học Bưu Điện là một công ty thương mại chuyên phân phối các thiết bị viễn thông cho các nhà mạng, quy mô vốn hay doanh thu chỉ tương đương một công ty con của các nhà mạng, là công ty thành viên của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam nhưng lại ký liên danh làm Đại lý Vietlott với cả Mobifone và Viettel.
Tại đại hội cổ đông, đại diện Công ty cổ phần Viễn Thông – Tin học Bưu Điện cho biết, dự án này sẽ kéo dài 08 năm. Bộ Tài chính đang giới hạn quyền mua 50 nghìn/1thuê bao/ngày. Chi phí đầu tư cho hệ thống gần 40 tỷ đồng và phân bổ cho các năm. Bộ Tài chính cũng cấp phép 03 trò chơi mới ngoài dịch vụ xổ số Vietlott. Và, HĐQT kiên quyết tiếp tục nghiên cứu đầu tư vào những dự án có tính dài hơi hơn như dịch vụ tin nhắn thoại trên nền tảng di động và xố số.
Cùng với đó, các tài liệu cho thấy biết: Các dự án đầu tư có tính chất dài hạn của Công ty cổ phần Viễn Thông – Tin học Bưu Điện như dự án liên danh cùng Tập đoàn bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tổng Công ty viễn thông Mobifone cung cấp xổ số Vietlott trên nền tảng di động đang trong quá trình tạo thói quen hành vi tiêu dùng mới nhằm thu hút người sử dụng.
Thực tế hiện tại, nhà mạng, Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam và Công ty cổ phần Viễn Thông – Tin học Bưu Điện đang nỗ lực tìm kiếm lợi nhuận thông qua ứng dụng Vietlott SMS.
Việc làm này dường như được Bộ Tài chính ủng hộ khi mới đây 24/8/2023 Vụ trưởng Vụ tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) đã ký văn bản số 9110/TB-TCNH, số 9111/TB-TCNH.
Các văn bản đều khẳng định, các hình thức phân phối vé xổ số qua internet, qua các ứng dụng trên điện thoại đều là vi phạm, mặt khác Bộ Tài chính lại yêu cầu Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam “có kế hoạch quảng bá, truyền thông để gia tăng sự phổ biến của ứng dụng Vietlott SMS”.
Theo các doanh nghiệp, các ứng dụng Mua hộ Vietlott hiện nay đang góp phần tạo ra thế “kinh doanh lành mạnh – chống độc quyền” trong hoạt động kinh doanh xổ số.
Nếu nhà nước chỉ ưu tiên cho kênh phân phối mua hộ thông qua nhà mạng là Vietlott SMS nêu trên, đồng thời cấm đoán các ứng dụng mua hộ khác, thì vô hình chung sẽ dẫn đến câu chuyện độc đoán, chuyên quyền – độc quyền trong kinh doanh, dẫn đến các hệ luỵ về lợi ích nhóm và các rủi ro khác có thể xảy ra trong tương lai gần về tính minh bạch của sản phẩm vé điện tử SMS.
Chỉ công nhận hình thức Vietlott SMS tạo ra một thị trường độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh với những doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành. Trong giai đoạn thử nghiệm, việc sử dụng một công ty “độc quyền” sẽ làm suy giảm các cơ hội để tiếp cận vấn đề, giải quyết vấn đề trong hoạt động triển khai, hạn chế sự sáng tạo, đổi mới trong kinh doanh, dễ dẫn đến cái nhìn một chiều, hạn hẹp và méo mó.
Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) – Giám đốc Công ty luật ANVI cho biết: có ba loại hợp đồng giao dịch phổ biển từ trước đến nay, gồm: văn bản, hành vi, lời nói. Với trường hợp giao dịch trực tuyến bằng mạng xã hội như vậy là hình thức cam kết, thỏa thuận bằng hành vi, rất phổ biến trong thời đại chuyển đổi số. Bất kỳ hình thức nào cũng có rủi ro nhất định, song không thể vì thế mà bỏ, không sử dụng. Do vậy, cần sửa lại thông tư của Bộ Tài chính về phương thức phân phối để các sản phẩm xổ số đến tay khách hàng theo hướng đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào lĩnh vực xổ số thay vì có 2 phương thức như hiện nay.