Trong nhiều năm qua, để phục vụ đầu tư phát triển và quảng bá thương hiệu của đơn vị, Vietcombank (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam) đã thực hiện mua sắm các chủng loại hàng hoá khác nhau. Tuy nhiên, việc tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp, nhất là đối với những dự án/dự toán có quy mô hàng chục tỷ đồng đang có nhiều dấu hiệu bất thường.
Nhằm đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu thì pháp luật quy định những hành vi bị cấm. Một trong những hành vi đó là nêu những yêu cầu cụ thể về xuất xứ hàng hóa, về nhãn hiệu hàng hóa trong hồ sơ mời thầu (HSMT) đối với các gói thầu xây lắp, hỗn hợp, mua sắm hàng hóa khi áp dụng các hình thức đấu thầu rộng rãi hay đấu thầu hạn chế theo quy định.
Cụ thể, Điều 89, Luật Đấu thầu 2013, các hành vi bị cấm trong đấu thầu: Không bảo đảm công bằng, minh bạch, bao gồm các hành vi như: Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong HSMT thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế;..
Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, HSMT không được nêu yêu cầu về xuất xứ cụ thể của hàng hóa. HSMT/Hồ sơ yêu cầu không được nêu những đặc tính, tiêu chuẩn cá biệt của hàng hóa nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu…
Tuy nhiên, tại HSMT một số gói thầu có quy mô hàng chục tỷ đồng do Vietcombank tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước có dấu hiệu đi ngược lại quy định trên.
Đơn cử đối với gói thầu số 10 “xây lắp nhà chính, hệ thống kỹ thuật và thiết bị công trình (Bao gồm hệ thống PCCC, thang máy, DHKK và thông gió)” thuộc dự án Đầu tư xây dựng Trụ sở Chi nhánh VCB Phú Thọ.
Ngày 30/5/2019 Hội đồng quản trị Vietcombank ban hành quyết định số 926/QĐ-VCB- QLXDCB phê duyệt dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Tiếp đến ngày 10/4/2020 Tổng Giám đốc Vietcombank phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công công trình Trụ sở Chi nhánh VCB Phú Thọ.
Để có cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu gói thầu số 10, Tổng Giám đốc Vietcombank phê duyệt hồ sơ mời thầu gói thầu trên vào ngày 03/7/2020. Tuy nhiên theo tài liệu mà phóng viên có thu thập, hồ sơ mời thầu của gói thầu trên có nhiều quy định có dấu hiệu hạn chế nhà thầu. Đơn cử đối với mặt hàng thang máy, hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu phải chào hãng thuộc các nước G7. Tương tự với mặt hàng Sơn EPOXY nền sàn hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu phải chào chủng loại là sơn NiShu, Sika; với mặt hàng trần thả sợi khoảng khung xương nối hồ sơ mời thầu yêu cầu sản phẩm của hãng ARMSTRONG; đối với cửa kính 2 cánh mở 2 chiều có trợ lực hồ sơ mời thầu yêu cầu sản phẩm phải đáp ứng kính Việt Nhật, nhôm xingfa, Việt Pháp.
Điều khó lý giải trong suốt quá trình thẩm định HSMT, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, Vietcombank không những không điều chỉnh các nội dung tiêu chuẩn đánh giá trong HSMT theo quy định của pháp luật đấu thầu mà vẫn phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu trên. Cụ thể ngày 12/10/2020, Tổng giám đốc Vietcombank đã phê duyệt cho liên danh nhà thầu Công ty TNHH Quyết Thắng – Công ty TNHH AT Á Châu trúng thầu với giá trúng thầu: 63.116.360.000 VNĐ. Thời gian thực hiện hợp đồng 410 ngày. Hợp đồng theo đơn giá cố định.
Việc đưa những yêu cầu quy định có dấu hiệu hạn chế nhà thầu còn diễn ra ở nhiều gói thầu do Vietcombank làm chủ đầu tư trong thời gian qua.
Tương tự đối với gói thầu “Mua sắm gia hạn dịch vụ Subscription phần mềm Microsoft Office 365 E1 cho 6560 Users cho Ngân hàng Vietcombank” nhà thầu trúng thầu Công ty cổ phần Dịch vụ Công nghệ tin học HPT, giá trúng thầu 13.955.880.000VNĐ, thời gian thực hiện hợp đồng 14 tháng. Phó Tổng giám đốc Vietcombank Lê Quang Vinh phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số: 2645/QĐ- VCB – MSQLTS, ngày 28/12/2022.
HSMT cũng yêu cầu thông số kỹ thuật của hàng hóa và dịch vụ chào thầu có liên quan phải là dịch vụ Subscription phần mềm Microsoft Office 365 E1 cho 6560 Users.
Theo các chuyên gia đấu thầu, tình trạng các HSMT, HS yêu cầu chào hàng cạnh tranh có đưa các thông số trùng khớp với một hãng hàng hóa là biểu hiện rõ nét của cạnh tranh không minh bạch trong đấu thầu.
Thanh tra Chính phủ (TTCP) từng chỉ ra sai phạm trong việc chấp hành chính sách pháp luật tại Vietcombank. Trong đó qua kiểm tra hai gói thầu công nghệ thông tin, TTCP phát hiện Vietcombank thực hiện chưa đúng quy trình và nội dung đầu tư, các yêu cầu về an toàn, bảo mật. Năng lực của cán bộ thực hiện dự án cũng chưa đáp ứng yêu cầu, trình độ về chuyên môn kỹ thuật.
“Ngoài ra, Vietcombank chưa kiểm soát chặt chẽ đối với nhà thầu dẫn đến ngay sau khi trúng thầu và hợp đồng được ký kết, các nhà thầu đã chuyển nhượng cho đơn vị khác thực hiện mà Vietcombank không nắm được”, Thông báo kết luận thanh tra số 3216 của TTCP chỉ rõ.
Cũng theo dữ liệu đấu thầu Vietcombank công bố 82 dự án đầu tư phát triển, thực hiện mời thầu 858 gói thầu, trung bình số nhà thầu tham gia mỗi gói thầu 2.74 nhà thầu, tổng giá trị theo gói thầu có kết quả lựa chọn nhà thầu hợp lệ là 18.844.380.200.809VNĐ, trong đó tổng giá trị trúng thầu 14.361.047.574.367VNĐ.