TP.HCM: Cảnh báo dự án ‘ma’ mang tên Gia Phúc Riverside

 Trước tình trạng nhiều trang mạng xã hội… quảng cáo và rao bán dự án mang tên khu dân cư Gia Phúc Riverside – Thạnh Xuân 52 (tại khu đất thuộc thửa đất số 1256, tờ bản đồ số 9, phường Thạnh Xuân, quận 12), chính quyền địa phương cảnh báo người dân, nhà đầu tư không tham gia mua bán tránh bị kẻ gian lừa đảo.

Thời gian qua nhiều trang mạng, nhân viên tư vấn bất động sản… rầm rộ quảng cáo và rao bán sản phẩm đất nền thuộc dự án khu dân cư mang tên Gia Phúc Riverside – Thạnh Xuân 52 (tại khu đất thuộc thửa đất số 1256, tờ bản đồ số 9 (tài liệu 2005), tổ 47, khu phố 4, phường Thạnh Xuân, quận 12). 

Theo đó, các quảng cáo giới thiệu “dự án” này có 38 nền đất với diện tích đa dạng 4×17, 4,5×15, 5×12, 5x13m full thổ cư. Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên thì khu đất không đủ các tiêu chí để lập dự án với quy mô hàng chục sản phẩm đất nền. 

Bản vẽ phối cảnh dự án ma Gia Phúc Riverside.

Bản vẽ phối cảnh dự án “ma” Gia Phúc Riverside.

Liên quan đến việc này, UBND phường Thạnh Xuân cho biết, qua ghi nhận trên địa bàn phường có trường hợp cá nhân rao bán đất nền thuộc “dự án” khu dân cư Gia Phúc Riverside – Thạnh Xuân 52 (tại khu đất thuộc thửa đất số 1256, tờ bản đồ số 9 (tài liệu 2005), tổ 47, khu phố 4, phường Thạnh Xuân). 

“Qua rà soát, tại vị trí khu đất được rao bán trên đã được UBND Quận 12 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CH18154 ngày 12/02/2019 đứng tên ông Nguyễn Văn Dũng. Hiện nay tại khu đất này không có bất kỳ dự án đất nền nào được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mà chủ đầu tư tự ý phân lộ rao bán nền theo hình thức vi bằng, giấy tay”, văn bản số 208/TB-UBND của phường Thạnh Xuân nêu rõ. 

Theo UBND phường Thạnh Xuân: nhận thấy, việc mua bán nền đất theo hình thức vi bằng, giấy tay không được pháp luật công nhận và gây nhiều rủi ro như: không được tách sổ; không chuyển nhượng; không thế chấp; dễ phát sinh tranh chấp, khiếu nại về sau… Do đó, UBND phường cảnh báo nhân dân sống trên địa bàn phường và các khu vực lân cận được biết để tránh bị kẻ xấu lừa đảo, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. 

Dự án ma Gia Phúc Riverside được quảng cáo và rao bán rầm rộ. (Ảnh chụp màn hình).

Dự án “ma” Gia Phúc Riverside được quảng cáo và rao bán rầm rộ. (Ảnh chụp màn hình).

Trước đó, UBND quận 12 cũng đã đưa ra thông báo cảnh giác với các thủ đoạn mua bán, chuyển nhượng nhà đất thông qua hình thức lập vi bằng trên địa bàn quận này.

Theo UBND quận 12, trong thời gian qua, địa phương này đã xuất hiện nhiều trường hợp mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay thông qua hình thức lập vi bằng tại các văn phòng thừa phát lại.

Việc này nhằm mua, bán những căn nhà “ba chung” như chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung số nhà. Đồng thời, việc mua bán này được thực hiện nhiều lần, chuyển nhượng qua nhiều người và chuyển nhượng hồ sơ, giấy tờ chưa đúng quy định, chưa đầy đủ cơ sở pháp lý.

“Thông qua việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất với hình thức vi bằng, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua, các đối tượng lừa đảo, đầu nậu đất đai đã thu gom đất xây nhà, rao bán bằng thừa phát lại để trục lợi”, thông báo của UBND quận 12 nêu rõ.

Mua bán bằng vi bằng không có giá trị về pháp lý!

Thực tế mua bán nhà đất bằng vi bằng đã từng xuất hiện khá rầm rộ tại TP.HCM, nhưng hình thức này chỉ diễn ra tại các dự án nhà đất riêng lẻ, người dân tự mua bán với nhau. Họ sử dụng hình thức này bởi lẽ phần nhà đất họ mua là nhà xây sai phép, có vấn đề pháp lý nên họ không thể có sổ đỏ để chuyển nhượng, mua bán như bình thường.

Còn đối với nhà đất tại dự án do chủ đầu tư xây dựng, đây là lần đầu tiên xuất hiện hình thức vi bằng,để xác lập hoạt động mua bán. Nhiều người am hiểu pháp lý đã tỏ ra không khỏi ngạc nhiên, trước hiện tượng này.

Theo các luật sư, văn phòng Thừa phát lại chỉ làm chứng việc giao nhận tiền giữa bên bán và bên mua, chứ không có cơ sở để chứng thực người mua có quyền sở hữu nhà, đất. Việc lập vi bằng để mua nhà đất sẽ không có giá trị pháp lý để thực hiện hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Văn bản vi bằng hay thỏa thuận góp vốn đều chỉ được coi là thỏa thuận dân sự giữa người bán và người mua. Bởi vậy, nếu người bán lật kèo, xảy ra tranh chấp, người mua sẽ chỉ còn cách kiện ra tòa để phân xử tranh chấp.

Theo Baodansinh.vn

Scroll
0793678999
0793678999