Thủ tướng lưu ý 8 nội dung trong xây dựng, hoàn thiện thể chế

Tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8, Thủ tướng Chính phủ cơ bản thống nhất với các báo cáo, tờ trình ý kiến phát biểu, dự kiến tiếp thu, giải trình của các bộ, Thủ tướng lưu ý, nhấn mạnh 8 nội dung trong xây dựng, hoàn thiện thể chế…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2023.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2023.

Chiều 24/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2023 để thảo luận các dự án luật: Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Sau một buổi làm việc khẩn trương, sôi nổi, trách nhiệm, phiên họp đã cơ bản hoàn thành chương trình đề ra; xem xét, cho ý kiến đối với 4 dự án luật quan trọng với nhiều nội dung khó, phức tạp, tác động lớn, sức lan tỏa cao, yêu cầu bức thiết.

Kết luận chung tại Hội nghị, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, GTVT đã tích cực chuẩn bị, trình các dự án, đề nghị xây dựng luật, nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở; Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ đã tích cực thẩm định, thẩm tra để kịp tiến độ trình Chính phủ; ý kiến trách nhiệm, sâu sát với tinh thần xây dựng cao của các đồng chí Thành viên Chính phủ và các đồng chí đại biểu.

Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu triển khai đường lối Đại hội XIII của Đảng về 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về xây dựng, hoàn thiện thể chế. Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã quyết liệt thực hiện nhiệm vụ này và đạt được những kết quả tích cực.

Trong 8 tháng năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 7 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với 34 nội dung (trong đó có 11 đề nghị xây dựng luật; 14 dự án luật; đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024, điều chỉnh Chương trình 2023; dự thảo nghị quyết và các nội dung khác).

Cơ bản thống nhất với các báo cáo, tờ trình ý kiến phát biểu, dự kiến tiếp thu, giải trình của các bộ, Thủ tướng lưu ý, nhấn mạnh một số nội dung trong xây dựng, hoàn thiện thể chế:

(1) Tăng cường vai trò người đứng đầu, bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý;

(2) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng pháp luật;

(3) Nâng cao năng lực phản ứng chính sách trong bối cảnh tình hình diễn biến rất nhanh, nhiều diễn biến mới, chưa có tiền lệ;

(4) Đầu tư công sức, nguồn lực cho công tác thể chế;

(5) Bổ sung, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức làm công tác pháp chế; có chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp;

(6) Tiếp tục cụ thể hóa, hiện thực hóa, thể chế hóa các chủ trương mới của Đảng;

(7) Xây dựng các quy định phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay để huy động mọi nguồn lực cho phát triển;

(8) Kịp thời bổ sung, hoàn thiện quy định tình hình thực tiễn.

Về đổi mới cách trình của bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu thông qua việc rà soát, tổng kết, việc trình các dự án, đề nghị xây dựng luật phải bảo đảm: Làm rõ những quy định kế thừa, giữ như hiện hành (còn giá trị, phù hợp); làm rõ những quy định cần loại bỏ; làm rõ những quy định cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới (thực tiễn đặt ra, bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, thực hiện các chủ trương mới của Đảng).

Đối với nội dung báo cáo về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cần làm rõ thủ tục nào được cắt giảm, đơn giản hóa, thủ tục nào mới được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới thì cần có lý do và đánh giá cụ thể.

Đối với vấn đề liên quan đến việc cắt giảm, tăng cường nguồn lực, huy động nguồn lực cần phân tích rõ nguồn lực như thế nào cho phù hợp, đúng luật pháp, phù hợp với với các chủ trương của Đảng. Với các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tiếp thu, giải trình nghiêm túc.

Tăng cường phân cấp phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cán bộ và đẩy mạnh kiểm tra, giám sát; phòng chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí.

Với các bộ, cơ quan chủ trì trình, Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, dự thảo nghị quyết theo quy định; giao các đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực tiếp tục quan tâm, trực tiếp chỉ đạo để hoàn thiện các dự án, đề nghị xây dựng luật theo phân công; Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp với cơ quan trình trong việc hoàn thiện, trình văn bản.

Thủ tướng nhấn mạnh, quá trình xây dựng thể chế phải lấy ý kiến của nhân dân, các đối tượng tác động, chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhưng vận dụng sáng tạo trong điều kiện Việt Nam.

Các cơ quan soạn thảo phải phối hợp chặt chẽ với các ủy ban của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, các cơ quan trong hệ thống chính trị để hoàn thiện những nhiệm vụ đã được giao, đẩy mạnh tuyên truyền chính sách để tạo sự đồng thuận, thống nhất. Thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng thể chế còn rất nhiều và nặng nề, các cơ quan cần rà soát lại các nhiệm vụ được giao để bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Theo VnMedia 

Scroll
0793678999
0793678999