Trong bối cảnh khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vững ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng trưởng được thúc đẩy, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Sáng 16/10, tại trụ sở Chính phủ, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (FDI) với chủ đề “Đồng hành và phát triển” đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Đây là hoạt động tiếp theo sau Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài” được tổ chức vào tháng 4/2023, khẳng định chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với khu vực đầu tư nước ngoài; thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm của đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn các nhà đầu tư về 3 vấn đề:
Thứ nhất, đã vượt qua khoảng cách về địa lý để đến tới Việt Nam.
Thứ hai, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội và thời cơ để luôn đồng hành, chia sẻ, cùng Việt Nam xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thứ ba, trong điều kiện khó khăn, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường nhưng vẫn cam kết tới Việt Nam và mở rộng đầu tư thời gian tới.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (FDI) |
Việt Nam có 3 cam kết với nhà đầu tư
Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Việt Nam có 3 cam kết với nhà đầu tư:
Thứ nhất, luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào.
Thứ hai, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm lợi ích, hoạt động ổn định lâu dài ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thứ ba, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh và bền vững.
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực
Liên quan đến câu hỏi của các nhà đầu tư rằng Việt Nam sẽ tiếp tục làm gì để thực hiện các cam kết và đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài, lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời, Thủ tướng khái quát lại và nhấn mạnh, bổ sung thêm một số nội dung về các yếu tố nền tảng cho sự phát triển của Việt Nam.
Thứ nhất, Việt Nam triển khai 3 trụ cột: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm xuyên suốt: Lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thứ hai, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả, là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Thứ ba, kiên trì chính sách quốc phòng “bốn không”: Không tham gia liên minh quân sự; Không liên kết với nước này để chống nước kia; Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Thứ tư, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nguồn lực bên trong (gồm con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa-lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên.
Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, từ đó giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ, nâng cao năng lực cạnh tranh về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thứ sáu, bám sát, nắm chắc tình hình thế giới và khu vực để phản ứng chính sách kịp thời, chủ động, hiệu quả với các nhà đầu tư.
Thứ bảy, giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm hoạt động, sản xuất, kinh doanh.
Thứ tám, Việt Nam sẽ tiếp tục là hình mẫu về khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh, phát huy tinh thần tự lực, tự cường để phát triển sau chiến tranh, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia, hơn 30 đối tác có quan hệ từ đối tác toàn diện trở lên, có quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện với tất cả các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Thứ chín, triển khai các công việc có trọng tâm, trọng điểm như tập trung xây dựng hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.