Thông qua Luật Giao dịch điện tử và Luật bảo vệ người tiêu dùng tại Kỳ họp thứ 5

Những ý kiến đóng góp đối với dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được tiếp thu tối đa để hoàn thiện, trình Quốc hội tiếp tục đóng góp ý kiến, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới.

Sáng 10/5, Ủy ban KH,CN&MT tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 6 tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi).

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Nguyễn Phương Tuấn cho biết: Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH tại Phiên họp thứ 20 về dự án Luật, Ủy ban KH,CN&MT đã gửi văn bản xin ý kiến Chính phủ một số nội dung dự án Luật.

Chính phủ đã thống nhất với ý kiến của UBTVQH và đề xuất của Ủy ban KH,CN&MT về quản lý nhà nước (Điều 7) và chữ ký số chuyên dùng công vụ (Điều 26); Thẩm quyền cấp phép dịch vụ tin cậy (Điều 29); Tài khoản định danh điện tử (Điều 48 và khoản 3 Điều 49).

Dự án Luật đã được gửi xin ý kiến 63 đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Tính đến nay, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã nhận được 50 Báo cáo góp ý về dự án Luật, trong đó có ý kiến của 42 đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, 06 Ủy ban và Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tiểu ban Tiểu ban KHCN và Đổi mới sáng tạo đang tiếp tục tổng hợp ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.

Cho đến thời điểm hiện tại dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung tại 33 Điều về nội dung; sửa đổi, bổ sung tại 09 Điều về kỹ thuật; bố cục lại 01 chương và bỏ một số quy định tại 05 Điều và bỏ 03 Điều và bổ sung 02 Điều.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam -Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế bày tỏ sự quan tâm về vấn đề giao dịch điện tử bằng OTP, CMS, sinh trắc học hay giọng nói. Bởi hiện nay, nhiều giao dịch điện tử ngân hàng hay giao dịch khác được nhiều người thực hiện nhưng vẫn có thể xảy ra lộ lọt thông tin của khách hàng hoặc vấn đề bảo mật dữ liệu.

Vì vậy, để dự án Luật có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cần làm rõ vấn đề đảm bảo an ninh an toàn thông tin trong giao dịch đối với các hình thức trên.

Ngoài ra, cần làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và đơn vị hữu quan đối với vấn đề này.

Cho ý kiến về cơ sở dữ liệu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Phạm Phú Bình cho biết, hiện nay, nhiều cơ sở dữ liệu ở các Bộ ngành, cơ quan còn có sự chưa thống nhất nên có thể dẫn đến sự tốn kém kinh phí, thời gian trong quá trình tìm kiếm dữ liệu. Do đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Phạm Phú Bình đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật cần đưa ra quy định cụ thể hơn về việc rà soát cơ sở dữ liệu ở các cơ quan, Bộ ngành và nhiều nơi khác để có sự đồng bộ, nhất quán về mặt thời gian nhằm thống nhất trong tìm kiếm, rà soát thông tin.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại Phiên họp.
         Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại Phiên họp.

Bảo vệ người tiêu dùng khi giao dịch qua mạng xã hội

Cũng tại phiên họp, thay mặt cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Tạ Đình Thi cho biết, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự án Luật.

Các ý kiến tại phiên họp tập trung thảo luận vào các nội dung như: Bảo vệ người người tiêu dùng khi giao dịch, mua bán qua mạng xã hội; tăng cường trách nhiệm của người tiêu dùng…

Để bảo vệ người tiêu dùng được hiệu quả, đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hải Phòng nêu quan điểm: Hiện nay, việc bán hàng qua mạng xã hội, trao đổi thông tin giao dịch mua bán qua mạng Internet tương đối khá phổ biến. Vì vậy, trong dự án Luật cần có quy định cụ thể hơn về xem xét hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng, bán hàng qua mạng Internet.

Đưa ra quan điểm về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng không chỉ ở doanh nghiệp, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng, trong dự án Luật cần có thêm quy định rõ hơn về tăng cường trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ cũng như tự bảo vệ quyền lợi khi mua sản phẩm, hàng hóa.

Giải trình những ý kiến của các đại biểu tại Phiên họp, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã làm rõ những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu liên quan đến 2 dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi).

Lãnh đạo của các Bộ đều ghi nhận những ý kiến đóng góp đối với 2 dự án Luật và cho biết sẽ tiếp thu tối đa các kiến nghị, đề xuất để hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội tiếp tục đóng góp ý kiến, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới.

Theo VnMedia

Scroll
0793678999
0793678999