Thiếu trầm trọng nhân lực nghề điều dưỡng tại Việt Nam

Tỷ lệ điều dưỡng trên số dân Việt Nam đang rất thấp. Theo chiến lược phát triển ngành y tế ở nước ta, tại thời điểm hiện nay, với 100 triệu dân, chúng ta cần phải có 260.000 điều dưỡng tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam mới có 140.000 điều dưỡng.

Thông tin trên được GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế đưa ra sáng 11/5 tại Lễ Kỷ niệm ngày Quốc tế Điều dưỡng (12/5) do Bộ Y tế tổ chức.

Nghề điều dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống y tế cơ sở

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, đội ngũ điều dưỡng luôn có vai trò rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe. Chính vì vậy Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định dịch vụ chăm sóc người bệnh của điều dưỡng là một trong những trụ cột của hệ thống y tế.

Điều này được minh chứng rằng, chức danh nghề điều dưỡng trong các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay luôn chiếm từ 60-70% so với nguồn nhân lực ngành y tế.

                                GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, ghi nhận vai trò đặc biệt quan trọng của các điều dưỡng, hộ sinh, nhất là trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 đồng thời khẳng định vai trò của đội ngũ điều dưỡng trong chăm sóc sức khỏe người bệnh.

“Như chúng ta đã thấy trong đại dịch COVID-19, điều dưỡng và hộ sinh là trụ cột của lực lượng nhân viên y tế, là trái tim đang đập của hệ thống y tế. Điều dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống y tế cơ sở – là tương lai của chúng ta,” Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh.

Tiến sĩ Angela Pratt cho biết nhằm nâng cao tầm quan trọng của vai trò của điều dưỡng và hộ sinh, vào năm 2020, WHO đã xuất bản “Báo cáo thực trạng điều dưỡng thế giới.”

                             Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam

Năm 2021, WHO tiếp tục công bố “Báo cáo thực trạng hộ sinh thế giới,” cung cấp bằng chứng về tình tình hình hiện tại của ngành điều dưỡng và hộ sinh, lĩnh vực ưu tiên cần tập trung.

Gần đây, WHO đã xuất bản “Định hướng Chiến lược toàn cầu cho điều dưỡng và hộ sinh” giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định 4 định hướng chiến lược để tăng cường lực lượng điều dưỡng, hộ sinh.

Nhân lực ngành điều dưỡng tại Việt Nam còn rất thiếu

Theo tỉ lệ điều dưỡng tương ứng với số lượng người bệnh và số giường bệnh được chỉ ra trong chiến lược phát triển ngành y tế của nước ta, tới thời điểm hiện nay, với 100 triệu dân, chúng ta cần phải có 260.000 điều dưỡng, nhưng trên thực tế, theo khảo sát của Cục Quản lý khám chữa bệnh, chúng ta mới chỉ có 140.000 điều dưỡng. Như vậy, chúng ta đang thiếu số lượng điều dưỡng rất nhiều.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh hiện tại, công tác điều dưỡng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều nơi còn quan niệm cho rằng “Nghề điều dưỡng là nghề phục vụ, điều dưỡng chỉ là người làm theo y lệnh của bác sỹ.” Nguồn nhân lực điều dưỡng thiếu nhiều về số lượng và năng lực chuyên môn thấp hơn so với nhiều nước khu vực.

Công tác chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế còn phụ thuộc nhiều vào người nhà người bệnh. Điều dưỡng hành nghề chưa phù hợp với văn bằng đào tạo. Đào tạo điều dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và hội nhập. Hệ thống lãnh đạo, quản lý điều dưỡng chưa phù hợp…

Lực lượng điều dưỡng, nữ hộ sinh đã luôn nỗ lực, tận tâm, tận tuỵ trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Ảnh: SKĐS

“Trong thời gian tới, ngành y tế tập trung các giải pháp nhằm đổi mới căn bản và toàn diện về công tác điều dưỡng. Ngành tập trung nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác điều dưỡng, phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng, thúc đẩy phát triển công nghệ và trang thiết bị phục vụ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh toàn diện trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu chăm sóc thực tiễn và hội nhập điều dưỡng khu vực ASEAN,” Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các cấp lãnh đạo ngành y tế tiếp tục quan tâm, đầu tư, ghi nhận và tôn vinh vai trò của người điều dưỡng vì một tương lai tươi sáng của nghề điều dưỡng, cũng như của ngành y tế nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững, bảo hiểm y tế toàn dân và sức khỏe cho mọi người.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của ngành y tế Việt Nam nhằm cải thiện đào tạo, chuyên môn và môi trường làm việc của điều dưỡng; khẳng định WHO cam kết hỗ trợ tối đa cho những nỗ lực này.

Hiện nay, theo hướng dẫn của WHO, Bộ Y tế đang tính toán nguồn nhân lực điều dưỡng dựa vào khối lượng công việc của nghề điều dưỡng theo nhu cầu về phân cấp chăm sóc người bệnh trong các bệnh viện.

Như vậy, mỗi bệnh viện sẽ tùy theo số lượng người bệnh đến khám, điều trị ở mức độ chăm sóc theo cấp 1, 2, 3 thì sẽ có tỉ lệ điều dưỡng tương ứng.

Năm nay, Hội đồng Điều dưỡng thế giới đã đưa ra thông điệp hành động nhân Ngày quốc tế Điều dưỡng, đó là “Điều dưỡng chúng ta – Tương lai của chúng ta”.

Với chiến dịch này, Thứ trưởng Bộ Y tế tin tưởng sẽ góp phần đưa công tác điều dưỡng từ giá trị vô hình trở nên vô giá trong sự nhìn nhận của các nhà hoạch định chính sách, cộng đồng, cũng như tất cả những người đưa ra quyết định ảnh hưởng đến việc thực thi và cung cấp tài chính cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Theo VnMedia

Scroll
0793678999
0793678999