Thị trường chứng khoán thế giới “hồi hộp” chờ tin từ Fed, ECB và BoJ

Nhiều chỉ số cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại nhưng vẫn trong trạng thái tốt, làm dấy lên hy vọng rằng Fed sắp kết thúc chiến dịch tăng lãi suất mà không gây ra suy thoái kinh tế.

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thị trường chứng khoán thế giới biến động trái chiều trong phiên 21/7, một ngày sau khi giá cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn của Mỹ giảm và trong bối cảnh các nhà đầu tư chuẩn bị cho một tuần của các quyết định lãi suất quan trọng đến từ các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới.

Sau một phiên giao dịch trái chiều trên các thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á, Phố Wall đã kết thúc tuần bằng một nốt trầm.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones chỉ nhích chưa đầy 0,1% lên 35.227,69 điểm, tăng phiên thứ 10 liên tiếp lần đầu tiên kể từ năm 2017.

Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng chưa tới 0,1% lên 4.536,34 điểm. Tuy nhiên, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,2% xuống 14.032,81 điểm.

Trước đó, trong phiên 20/7, chỉ số Nasdaq đã giảm hơn 2% do các báo cáo lợi nhuận đáng thất vọng của Tesla và Netflix, hai trong số những tên tuổi lớn nhất thuộc chỉ số này, lan sang các “gã khổng lồ” khác trong đó có Amazon, Apple và công ty mẹ của Google, Alphabet.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng thị trường có thể sẵn sàng cho một đợt giảm giá sau quý 2 mạnh mẽ và bắt đầu sang quý 3.

Theo chuyên gia Jack Ablin của công ty dịch vụ tư vấn đầu tư Cresset Capital, thông tin liên quan đến Netflix và Tesla đã góp phần thúc đẩy hoạt động chốt lời trong lĩnh vực công nghệ ở phiên này.

Còn tại châu Âu phiên 21/7, chỉ số FTSE 100 của London tăng 0,2% lên 7.663,73 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris tăng 0,7% lên 7.432,77 điểm, trong khi chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,2% xuống 16.177,22 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,4% lên 4.391,41 điểm.

Trong phiên 19/7, chứng khoán Phố Wall khép tăng điểm khi các nhà đầu tư ngày càng lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

Trong khi đó, chứng khoán London tăng 1,8% nhờ số liệu cho thấy lạm phát của Anh đã giảm xuống dưới 8% trong tháng 6/2023.

Các chỉ số chứng khoán đã tăng điểm kể từ số liệu tuần trước cho thấy lạm phát của Mỹ tiếp tục giảm và hướng tới mục tiêu 2% của Fed.

Nhiều chỉ số khác cũng cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại nhưng vẫn trong trạng thái tốt, làm dấy lên hy vọng rằng Fed sắp kết thúc chiến dịch tăng lãi suất mà không gây ra suy thoái kinh tế.

Các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tuần tới và sẽ duy trì mức lãi suất đó.

Các báo cáo thu nhập doanh nghiệp đáng tin cậy cũng đã giúp đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn, với chỉ số công nghiệp Dow Jones ghi nhận mức tăng ngày thứ tám liên tiếp.

Các ngân hàng lớn trong đó có Morgan Stanley và Bank of America đã chứng kiến giá cổ phiếu tăng sau khi báo cáo thu nhập vượt kỳ vọng.

Bên cạnh các báo cáo lợi nhuận, thị trường cũng hướng sự chú ý tới cuộc họp chính sách của Fed vào tuần tới.

Trong khi Fed được cho là sẽ tăng lãi suất, chuyên gia Art Hogan của công ty tài chính B. Riley Financial cho biết thị trường có thể bị bất ngờ nếu Fed hành động “quyết liệt” hơn dự kiến.

Ông Hogan cũng lưu ý rằng các nhà đầu tư không mong đợi Fed sẽ tăng lãi suất một lần nữa trong tháng 9/2023.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng sẽ tổ chức các cuộc họp chính sách tiền tệ vào tuần tới.

Trên thị trường tiền tệ, đồng yen tăng nhanh so với đồng USD sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát của Nhật Bản tăng tốc trong tháng 6/2023, điều mà một số người coi là gia tăng áp lực buộc BoJ phải thắt chặt chính sách.

Tuy nhiên, đồng yen sau đó đã giảm hơn 1% do các nhà quan sát cho rằng các số liệu này khó có thể khiến các nhà hoạch định chính sách tiền tệ thay đổi quan điểm về chính sách tiền tệ siêu lỏng.

BoJ dự kiến sẽ giữ nguyên lập trường về chính sách tiền tệ trong cuộc họp vào tuần tới, sau những bình luận “ôn hòa” gần đây của Thống đốc BoJ Kazuo Ueda./.

Theo VnMedia

Scroll
0793678999
0793678999