Sửa Luật Thủ đô: Đảm bảo đủ trường công lập hay đẩy mạnh xã hội hóa?

Trong khi nhiều ý kiến đóng góp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đề nghị cần quy định hệ thống giáo dục công lập đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh thì Ban soạn thảo cho biết, Luật này chỉ xây dựng những quy định đặc thù nhằm xây dựng các cơ sở đào tạo chất lượng cao, đẩy mạnh xã hội hóa…

Góp ý cho Dự thảo Luật Thủ đô, Ban Tuyên giáo Trung ương đề xuất cân nhắc bổ sung quy định về hệ thống giáo dục phổ thông công lập đáp ứng tối thiểu 75% nhu cầu học tập của học sinh trên toàn Thành phố.

Cùng quan điểm, Thông tấn xã Việt Nam đề nghị Ban Soạn thảo xem xét, cân nhắc bổ sung nội dung quy định về việc tổ chức cơ sở giáo dục công lập phải đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội, vì hiện nay, hệ thống trường công lập chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân Thủ đô.

Trong khi đó, góp ý cho Điều 25 về phát triển giáo dục và đào tạo, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định đối với các dự án cần đảm bảo quỹ đất (tỷ lệ %) dành cho giáo dục, quan tâm xây dựng trường THPT công lập.

“Thực tế cho thấy, với xu thế đô thị hóa tăng nhanh, nhu cầu học tập ở các trường công lập ngày càng cao, ở một số địa bàn của Thành phố “quá tải” trong việc tuyển sinh đầu cấp, nhất là cấp THPT, phải học trường dân lập với mức chi phí cao.” – Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh.

Giải trình trước ý kiến này, Bộ Tư pháp cho biết, hệ thống giáo dục Thủ đô, trước hết là nằm trong hệ thống giáo dục chung của cả nước, vì vậy, việc đảm bảo nhu cầu học tập tại các trường công lập trên thành phố là trách nhiệm chung, thực hiện theo quy định chung.

“Các quy định tại dự thảo Luật là những quy định đặc thù, khác hoặc pháp luật hiện hành chưa quy định, nhằm mục đích xây dựng các cơ sở đào tạo chất lượng cao để xây dựng Thủ đô Hà Nội thành trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực phát triển GDĐT Thủ đô; Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, trình độ đào tạo; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; thực hiện có hiệu quả hội nhập quốc tế về lĩnh vực GDĐT, mở rộng quy mô hợp tác quốc tế như Nghị quyết 15-NQ/TW đề ra.” – Ban soạn thảo nêu rõ quan điểm.

giáo dục, học sinh, sĩ số, công lập,
Ảnh minh họa

Cũng góp ý cho vấn đề giáo dục tại Dự thảo Luật Thủ đô (sừa đổi), Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cho biết: Khoản 2 quy định: “Cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Thủ đô được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài”. Tuy nhiên, Điều 6, Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục quy định về đối tượng liên kết giáo dục lại quy định: “Cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục của Việt Nam và cơ sở giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục”.

Do vậy, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu quy định lại nội dung này để tránh cách hiểu chỉ có các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội mới là đối tượng được liên kết giáo dục.

Giải trình vấn đề này, Ban Soạn thảo cho biết, quy định tại dự thảo Luật đã thể hiện rõ đây là cơ chế đặc thù khác với quy định hiện hành, theo đó, cho phép cơ sở giáo dục công lập được liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài (theo quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP thì mới chỉ cho phép cơ sở giáo dục tư thục liên kết).

Trong phần góp ý của mình, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị cân nhắc bổ sung quy định các biện pháp phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và các điều kiện đảm bảo hoạt động giáo dục; bổ sung thêm điểm d) Chế độ đãi ngộ (phụ cấp đặc thù) đối với đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục Thủ đô ở các cấp học; Cân nhắc bổ sung các điểm sau: d) Chế độ đãi ngộ thu hút các nhà khoa học giỏi trong và ngoài nước về công tác trong cơ sở giáo dục công lập Thủ đô; e) Cơ chế tự chủ hoàn toàn cho các cơ sở giáo dục công lập đủ điều kiện tự chủ; f) Quy định tiêu chí đánh giá và xếp hạng chất lượng cho các cơ sở giáo dục Thủ đô tiệm cận theo tiêu chuẩn thế giới; g) Ưu tiên bố trí quỹ đất cho các dự án phát triển giáo dục Thủ đô thông qua chính sách miễn, giảm tiền thuê đất.

Phản hồi ý kiến này, Ban Soạn thảo cho hay, Điều 18 dự thảo Luật đã quy định chế độ thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong đó có lĩnh vực giáo dục đào tạo; Điều 19 cho phép thành phố được chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố dựa trên năng lực, hiệu quả công việc.

“Như vậy, dự thảo Luật đã giải quyết tổng thể chế độ trọng dụng, thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn trong đó có đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục Thủ đô ở các cấp học” – Ban soạn thảo khẳng định.

Theo VnMedia 

Scroll
0793678999
0793678999