Sửa Luật Đất đai: 12 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau

Báo cáo về công tác tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và một số nội dung lớn của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đến nay, dự thảo Luật còn 12 nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau.

Chiều 2/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế và các cơ quan hữu quan về công tác tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và một số nội dung lớn của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Báo cáo về công tác tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và một số nội dung lớn của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đến nay, dự thảo Luật còn 12 nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau.

Đó là các nội dung: Phân loại đất; quy định về Thủ tướng Chính phủ ban hành khung chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (khoản 6 và khoản 7 Điều 17); quyền của đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm được thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê (khoản 2 Điều 35); quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tiêu chí thu hồi và đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (điểm e và điểm g khoản 3 Điều 79); thu hồi đất để xây dựng công trình tôn giáo (điểm i khoản 1 và điểm i khoản 3 Điều 79);

Các ý kiến khác nhau cũng bao gồm quy định về mức phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hằng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất (Điều 113); các quy định liên quan đến thu hồi đất chưa có trong quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh (điểm d khoản 1 Điều 80; khoản 4 Điều 83); áp dụng phương pháp thặng dư để định giá đất (khoản 4 Điều 158);

Cùng với đó là các quy định về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất (Điều 138); thời điểm giao đất đối với dự án đầu tư trên đất lấn biển sử dụng vốn của nhà đầu tư (vốn ngoài ngân sách nhà nước) (điểm c khoản 6 Điều 190); việc một số nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai của các Nghị quyết của Quốc hội.

Gợi ý nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị lưu ý xem xét dự thảo Luật đã bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, nội dung của Nghị quyết 18–NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng Nghị quyết 18–NQ/TW nêu “Thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi”, tuy nhiên thực tế tại các địa phương mới chỉ quan tâm đến việc chi trả tiền bồi thường, đền bù thu hồi đất. Do đó, dự thảo Luật cần có quy định làm rõ về nội hàm về tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi.

Nghị quyết 18–NQ/TW nêu rõ về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý đất đai. Thể chế hóa quy định này, rải rác trong dự thảo Luật đã có các quy định như về giao dịch điện tử về đất đai, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử,…Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong Luật cần có những quy định chung như về nguyên tắc, điều kiện, yêu cầu đẩy mạnh thanh toán điện tử… để làm căn cứ cho việc tổ chức thực hiện, bảo đảm đồng bộ với các dự án luật cũng đang được sửa đổi như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Dự thảo Luật cũng cần xử lý vấn đề về tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để vừa bảo đảm tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW và phù hợp với thực tiễn. Nghị quyết 18-NQ/TW nêu rõ “Chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất”. Tuy nhiên thực tế có những trường hợp sau khi phê duyệt dự án tái định cư hoặc đang tổ chức triển khai tái định cư thì đã có thu hồi đất để tổ chức thực hiện dự án. Trong quá trình chưa có nhà tái định cư thì có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, thuê chỗ ở cho người dân. Có trường hợp người dân không nhận nhà tái định cư mà nhận tiền và khi người dân chưa mua được nhà mới, có nơi ở mới thì cũng cần có hỗ trợ.

Đồng thời phải đảm bảo tương tích giữa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với các dự án Luật khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng…

Về các nội dung lớn của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết một trong những vấn đề lớn được quan tâm hiện nay là chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ yêu cầu đặt ra là có chính sách ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng như có các cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng sau khi được giao đất, bảo đảm tính bền vững của chính sách.

Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất trả tiền hàng năm, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề quy định như thế nào để vừa có những hỗ trợ , tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động vừa bảo đảm chặt chẽ, thống nhất với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chủ tịch Quốc hội lưu ý quy định về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện có 2 phương án khác nhau, đề nghị đánh giá kĩ lưỡng các ưu điểm, nhược điểm của từng phương án.

Theo VnMedia

Scroll
0793678999
0793678999