Ngày 8/10, Ủy ban Văn hóa Giáo dục (VHGD) của Quốc hội có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023, dự kiến chương trình công tác năm 2024; tình hình phân bổ quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước năm 2023 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ GDĐT đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023, phương hướng triển khai kế hoạch năm học 2023-2024.
Theo đó, Bộ GDĐT đã triển khai năm học 2022-2023 có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương; công tác quản trị nhà trường tiếp tục được đổi mới theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch; toàn ngành đã chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐT; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên có nhiều kết quả đáng ghi nhận; tiếp tục triển khai quy hoạch, nâng cao năng lực hệ thống giáo dục đại học; tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính, tăng cường hội nhập quốc tế, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua và tăng cường công tác truyền thông giáo dục.
Về phương hướng nhiệm vụ năm học 2023-2024, Bộ GDĐT xác định sẽ tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành; thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; có giải pháp hiệu quả để thu hút các nguồn lực hợp pháp để đầu tư cho giáo dục và đào tạo; tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục thể chất, y tế trường học; bảo đảm an toàn trường học; quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; tăng cường hội nhập quốc tế, chuyển đổi số, truyền thông giáo dục…
Đại diện lãnh đạo Ủy ban VHGD và lãnh đạo Bộ GDĐT đã trao đổi, thảo luận một số vấn đề liên quan đến chủ trương xã hội hóa giáo dục, đầu tư cho giáo dục, chất lượng giáo dục phổ thông, tự chủ đại học, kiểm định chất lượng giáo dục, công tác phân luồng trong giáo dục, vấn đề tài chính giáo dục…
Bộ GDĐT mong muốn Ủy ban VHGD của Quốc hội tiếp tục quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ Bộ GDĐT trong việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng và trình Quốc hội dự án Luật Nhà giáo nhằm tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những bất cập trong công tác phát triển đội ngũ nhà giáo hiện nay; sửa Luật Giáo dục đại học để mở đường cho giáo dục đại học tiếp tục phát triển, qua đó, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban VHGD của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ với những khó khăn của ngành giáo dục về tình trạng thiếu giáo viên; chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học chưa đáp ứng được yêu cầu… Từ đó, người đứng đầu Ủy ban VHGD ghi nhận Bộ GDĐT đã rất nỗ lực, triển khai đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2022-2023. Về những vấn đề ngành giáo dục cần tập trung trong thời gian tới, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh đề cập tới chính sách học phí, chính sách lương và thu nhập cho nhà giáo, kiên trì xây dựng văn hóa học đường đồng bộ giữa giáo dục trong nhà trường với giáo dục ngoài xã hội…