-
Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2023: Tăng trưởng tích cực
-
Kinh tế quý III khởi sắc, GDP ước tăng 5,33%
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, nền kinh tế Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều trở ngại trong nước và bên ngoài.
Theo đó, thương mại toàn cầu sụt giảm đã ảnh hưởng tới các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, sức cầu trong nước cũng đang có xu hướng chững lại, điều này đã ảnh hưởng tới quá trình tăng trưởng kinh tế.
WB cho biết, trong nửa đầu năm 2023, GDP Việt Nam ghi nhận mức tăng 3,7%. Kim ngạch xuất khẩu giảm 12% so cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng giảm từ 6,1% trong nửa đầu năm 2022 xuống còn 2,7% trong nửa đầu năm 2023.
Nguyên nhân là do lòng tin của người tiêu dùng yếu đi và tăng trưởng thu nhập khả dụng thực chững lại.
Tăng trưởng đầu tư giảm từ 3,9% trong nửa đầu năm 2022 xuống còn 1,1% trong nửa đầu năm 2023, tăng trưởng của khu vực công nghiệp giảm còn 1,1% trong sáu tháng đầu năm 2023 so với 7,7% của năm ngoái.
WB đánh giá, tăng trưởng kinh tế chững lại gây ảnh hưởng đến tình hình thị trường lao động. Qua khảo sát vào tháng 4/2023, 60% các doanh nghiệp cho biết họ phải cắt giảm lao động ít nhất ở mức 5%.
Dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn có một số điểm sáng. Đơn cử, cán cân thương mại hàng hóa được cải thiện do nhập khẩu suy giảm mạnh hơn xuất khẩu. Bên cạnh đó, thâm hụt cán cân thương mại dịch vụ được thu hẹp khi du khách quốc tế quay lại.
Đặc biệt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và dòng vốn đầu tư gián tiếp vẫn đứng vững.
WB dự báo, kết thúc năm 2023, GDP Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 4,7%, sau đó dự báo sẽ hồi phục về mức 5,5% trong năm 2024 và 6,0% trong năm 2025.
Dù vậy, sự tăng trưởng này vẫn còn đối mặt với khá nhiều thách thức, ví dụ như tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc có thể suy giảm nhu cầu bên ngoài về các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ bị thắt chặt hơn nữa ở các nền kinh tế lớn và phát triển có thể sẽ lại nhen nhóm gây áp lực tỷ giá cho đồng nội tệ, dẫn đến dòng vốn tháo chạy ra ngoài.
Nhìn từ trong nước, những rủi ro và nguy cơ dễ tổn thương về tài chính gia tăng đòi hỏi phải theo dõi sát sao và tiếp tục đổi mới.
WB cho rằng, trong ngắn hạn, chính sách tài khóa nên tiếp tục hỗ trợ cho tổng cầu. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng được cho là phù hợp, nhưng tiếp tục cắt giảm lãi suất sẽ làm gia tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, có khả năng gây áp lực đến tỷ giá.
“Để giảm nhẹ rủi ro tài chính đang gia tăng, các biện pháp nâng cao tỷ lệ vốn của các ngân hàng và tăng cường khung giám sát ngân hàng là cách để đảm bảo ổn định và khả năng chống chịu của khu vực tài chính”, WB khuyến nghị.