Kinh tế Việt Nam đang có nhiều điểm sáng

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài có những tín hiệu tích cực, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 7 tháng năm 2023 đạt 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế – xã hội thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng hầu hết các nền kinh tế lớn tăng trưởng thấp do tổng cầu suy giảm, chính sách tiền tệ thắt chặt, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina phức tạp hơn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng.

Trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; giảm thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; tăng lương cơ sở từ 01/7 để bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, các ngành, lĩnh vực tháng 7/2023 đã có nhiều khởi sắc.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, sản xuất công nghiệp tháng Bảy đã khởi sắc hơn. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 năm 2023 ước tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành trọng điểm tăng cao như sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 23,3%; sản xuất kim loại tăng 15,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 15,3%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 14,4%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 12,2%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 11,4%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 10,9%; dệt tăng 10,8%.

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động và tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, vận chuyển hành khách tăng 15,8% và luân chuyển tăng 27,6%; vận chuyển hàng hóa tăng 15,3% và luân chuyển tăng 12,7%.

Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2023 ước xuất siêu 15,23 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,34 tỷ USD). Trong đó một số mặt hàng xuất siêu: Điện thoại và linh kiện 23,7 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 5,9 tỷ USD; thủy sản 3,4 tỷ USD; rau quả 2,1 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 1,9 tỷ USD.

Đáng chú ý, hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh mẽ nhờ đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm nhằm thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7/2023 ước đạt hơn 1 triệu lượt người, gấp 2,9 lần cùng kỳ năm trước; tính chung 7 tháng năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 6,6 triệu lượt người, gấp 6,9 lần.

Trong khi đó, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2023 ước đạt 41,3% kế hoạch, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 39,7% và tăng 12,3%), thể hiện kết quả nỗ lực của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư công nhằm tạo động lực tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng từ những khó khăn chung của kinh tế thế giới.

Theo Tổng cục Thống kê, thu hút vốn đầu tư nước ngoài có những tín hiệu tích cực, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 7 tháng năm 2023 đạt 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước (3 tháng đầu năm giảm 19,3%; 4 tháng đầu năm giảm 1,2%; 5 tháng đầu năm giảm 7,3%; 6 tháng đầu năm giảm 4,3%). Số dự án cấp mới tăng 75,5%, vốn đầu tư đăng ký cấp mới tăng 38,6% cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp và giữ xu hướng giảm dần. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2023 tăng cao nhất với 4,89%, đến tháng 7/2023 tăng 2,06% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng năm 2023, CPI tăng 3,12%.

Theo VnMedia 

Scroll
0793678999
0793678999