Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), sản xuất đình trệ làm giảm kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
ADB cho biết, Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm làm kim ngạch xuất nhập khẩu giảm. Lãi suất cao ở Mỹ và châu Âu làm chậm quá trình phục hồi và giảm nhu cầu từ các đối tác thương mại lớn. Kim ngạch xuất khẩu tám tháng đầu năm 2023 giảm 10,0% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, nhu cầu giảm mạnh hơn tại các thị trường trọng điểm của Việt Nam, trong đó xuất khẩu sang Mỹ giảm 20,6%, Liên minh châu Âu giảm 9,7% và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) giảm 6,8%. Các lô hàng điện thoại di động, máy tính và sản phẩm điện tử – chiếm 30,0% tổng kim ngạch xuất khẩu – đã giảm 15,0%. Trong khi đó, xuất khẩu máy móc và thiết bị – chiếm 12,0% tổng kim ngạch xuất khẩu – giảm 10,0%.
Sản xuất đình trệ làm giảm kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Nguyên liệu đầu vào cho sản xuất chiếm 93,8% tổng kim ngạch nhập khẩu nhưng đã giảm tới 16,4%, xuống còn 194,7 tỉ USD trong tám tháng đầu năm 2023. Do nhập khẩu giảm nhanh hơn xuất khẩu, thặng dư thương mại gia tăng, đạt 20,2 tỉ USD trong cùng kỳ. Trong nửa đầu năm 2023, tài khoản vãng lai của cán cân thanh toán đạt thặng dư ước tính khoảng 6,0% GDP, so với mức thâm hụt 3,6% GDP một năm trước đó.
Cũng theo ADB, dòng vốn từ bên ngoài giảm, dẫn đến thu hẹp thặng dư tài khoản vốn và tài chính từ mức 6,4% GDP trong nửa đầu năm 2022 xuống còn ước tính 3,2% GDP trong nửa đầu năm 2023. Mặc dù có sự thu hẹp này, thặng dư của tài khoản vãng lai vẫn giúp cán cân thanh toán tổng thể đạt thặng dư ước tính ở mức 1,6% GDP trong nửa đầu năm 2023 từ mức thâm hụt 3,1% GDP trong nửa đầu năm 2022. Đến cuối tháng 6 năm 2023, dự trữ ngoại hối ước tính đủ chi trả 3,7 tháng nhập khẩu, tăng so với mức 2,8 tháng vào cuối năm 2022.