Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Nghị quyết 28 hướng tới lộ trình đóng BHXH 10 năm sẽ được hưởng lương hưu, nhưng có đoạn trung gian là 10 – 15 năm. Vì thế, dự án Luật lựa chọn giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm là cần thiết để hướng tới mục tiêu sau này là 10 năm.
Đóng góp ý kiến cho dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nhiều điểm mới trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đặc biệt là việc cân nhắc giảm thời gian người lao động đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trước đây, thời gian đóng BHXH quá dài nên nhiều người lao động rút BHXH một lần. Ví dụ những lúc khó khăn như trong dịch Covid-19, giữa việc phải đóng 20 năm sau mới được hưởng lương hưu với cái trước mắt, đôi khi người lao động bắt buộc phải chọn cái trước mắt vì thời gian đóng BHXH quá dài.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Nghị quyết 28 hướng tới lộ trình đóng BHXH 10 năm sẽ được hưởng lương hưu, nhưng cũng có đoạn trung gian là 10 – 15 năm. Vì thế, dự án Luật lựa chọn giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm là cần thiết để hướng tới mục tiêu sau này là 10 năm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật BHXH |
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đưa ra 2 phương án về rút BHXH một lần và cơ quan thẩm tra đã đưa ra 5 quan điểm. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, mỗi phương án theo Tờ trình của Chính phủ phân tích có ưu điểm và các mặt khác nhau, trong đó, phương án 2 mềm dẻo, hài hòa hơn.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất một phương án để nghiên cứu có thể tích hợp, sử dụng mặt tốt nhất của 2 phương án để ra một phương án. Theo đó, đối với những người tham gia sau khi Luật có hiệu lực không được rút BHXH 1 lần khi đang trong độ tuổi lao động. Với người tham gia trước khi Luật sửa đổi có hiệu lực được rút nhưng chỉ rút phần đã đóng, còn một phần vẫn là tích lũy, lưu trong hệ thống bảo hiểm. Việc làm này vừa để giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mắt nhưng vẫn lưu lại trong hệ thống và có thể quay trở lại đóng và đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội.
Đặc biệt, Quỹ Bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhưng thông với ngân sách, là quỹ tập trung lớn nhất chỉ sau ngân sách. Tính chất của Quỹ do Nhà nước bảo trợ nên trước đây cứ nói khái niệm vỡ quỹ hay không. Nhưng khẳng định không có khái niệm vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội, vì chúng ta có các chính sách thiết kế cân đối để đảm bảo.
Về quy định nâng cấp mô hình hoạt động Quỹ, trước đây Bộ trưởng Bộ Tài chính là Chủ tịch Hội đồng Quỹ, song dự án Luật đề xuất Phó thủ tướng Chính phủ sẽ đảm nhận Chủ tịch Hội đồng Quỹ. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ việc sửa đổi mô hình này, lý do là Hội đồng quản lý Quỹ phải có bộ máy giúp việc, có tính chất độc lập.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhắc lại thời điểm sơ suất khi Quỹ Bảo hiểm xã hội cho Công ty ALC II vay hàng nghìn tỷ đồng trái quy định, sau đó kỷ luật nhiều người. Điều này rất rủi ro, vì thế, cơ chế kiểm soát phải nghiên cứu, tính toán.
Đại diện cho các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công đồng thuận với quan điểm của Chính phủ, Quốc hội về việc có giải pháp xử lý nghiêm việc doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Tuy nhiên, ông Phạm Tấn Công đề nghị, trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần khôi phục, quy định lại việc chậm đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp. Bởi vì việc đóng bảo hiểm của doanh nghiệp cũng phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố khách quan như thiên tai, hỏa hoạn, hạn hán, dịch bệnh…
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công đề xuất trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần quy định thời hạn được nợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có điều kiện sắp xếp hoạt động kinh doanh để có thể đóng đủ bảo hiểm xã hội cho lao động. Nếu doanh nghiệp không thực hiện theo đúng thời gian theo quy định thì trong Luật cũng cần đưa ra chế tài xử lý rõ ràng.