Ảnh minh họa |
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế mới nhất của mình, OECD đã điều chỉnh giảm dự báo kinh tế toàn cầu cho năm 2024, dự kiến mức tăng trưởng sẽ giảm xuống 2,7% trong năm tới, giảm 0,2% so với ước tính được đưa ra hồi tháng 6, sau khi mức tăng trưởng vốn đã “dưới chuẩn” là 3% trong năm nay.
Tổ chức có trụ sở tại Paris này đã dự đoán nền kinh tế thế giới vào năm tới sẽ phải đối mặt với mức tăng trưởng hàng năm yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngoại trừ năm 2020 khi Covid-19 tấn công thế giới.
Nhà kinh tế trưởng Clare Lombardelli của OECD hôm qua đã nói với các phóng viên rằng: “Trong khi lạm phát cao chưa giảm thì nền kinh tế thế giới vẫn ở trong tình trạng khó khăn”. “Chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức kép là lạm phát và tăng trưởng thấp”.
OECD cảnh báo việc tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát đang gây thiệt hại và dự kiến sẽ có tác động tiêu cực hơn nữa đến các nền kinh tế trên toàn thế giới. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng về giá cả có ít dấu hiệu giảm bớt, khiến “phạm vi cho bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào đều trở nên hạn chế cho đến tận năm 2024”.
OECD cho biết: “Sau khởi đầu năm 2023 mạnh mẽ hơn dự kiến, nhờ giá năng lượng giảm và việc Trung Quốc mở cửa trở lại, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ ở mức vừa phải”. “Tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt ngày càng trở nên rõ ràng, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng suy giảm và sự phục hồi ở Trung Quốc mờ nhạt”.
OECD cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng của khu vực đồng euro trong năm nay và cảnh báo nền kinh tế Đức sẽ giảm 0,2% vào năm 2023. Điều này sẽ khiến nền kinh tế hàng đầu của EU trở thành quốc gia G20 duy nhất ngoại trừ Argentina phải đối mặt với suy thoái.