TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng nhưng hiện nay bối cảnh tạo điều kiện cho chúng ta có những chuyển hướng chính sách, cả về chính sách tài khóa và tiền tệ mà về cơ bản, hướng vào việc hỗ trợ tăng trưởng.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới”.
Lãi suất huy giảm bình quân khoảng từ 1-1,2%
Tại buổi tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC) cho biết, câu chuyện chính sách tiền tệ, đặc biệt là lãi suất rất quan trọng. “Khảo sát dòng vốn cho đầu tư tổng xã hội của chúng ta thì tín dụng ngân hàng chiếm khoảng 50%, cộng với trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 15%, thì suy ra việc giảm mặt bằng lãi suất sẽ là giảm lãi suất cho 65% tổng vốn đầu tư toàn xã hội”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Thủ tướng và Chính phủ đã ra thông điệp rõ ràng là cố gắng giảm mặt bằng giảm lãi suất từ 1,5 – 2% cho đến cuối năm. Đây là một thông điệp rất mạnh dạn, rất rõ, cụ thể. Thực tế thời gian qua ngân hàng cũng đã giảm lãi suất, với lãi suất huy động đầu vào giảm bình quân khoảng từ 1-1,2%, lãi suất cho vay cũng giảm mức độ tương tự. Bây giờ tiếp tục phấn đấu để giảm tiếp lãi này theo chỉ đạo của Chính phủ. Cái này phù hợp và khả thi trong thời gian tới.
TS. Cấn Văn Lực bổ sung: “Giảm lãi suất chỉ là 1 vế của vấn đề, điều kiện cần thôi. Điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp mới quan trọng. Phía cầu là chúng ta giảm lãi suất rồi, phía cung là tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp. Tôi nghĩ cần rất nhiều giải pháp đồng bộ”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chia sẻ, mặt bằng lãi suất là một câu chuyện, câu chuyện quan trọng nữa là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, để doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn vốn tốt thì rõ ràng khả năng giải ngân, quản trị của doanh nghiệp rất quan trọng. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nên khả năng hồ sơ sổ sách vay vốn cũng là một yếu tố rất quan trọng, cần cải thiện trong thời gian tới.
“Một điều nữa là có nhiều doanh nghiệp cũng nói rất nhiều lần là hiện nay lãi suất là một chuyện, nhưng cũng có tình trạng một số ngân hàng thu qua các hình thức khác, qua phí, qua những ràng buộc khác, hợp đồng khác. Tình trạng này cũng cần rà soát và khắc phục trong thời gian tới”, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.
Cần sự phối hợp với bộ ngành và các cơ quan liên quan
Chia sẻ về động lực tăng trưởng trong thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, có 4 nhóm giải pháp quan trọng. Một là, chúng ta đã tung ra rất nhiều gói chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ như vừa qua, bây giờ hãy thực thi cho thật tốt. Đây là động lực tăng trưởng rất quan trọng ngoài cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chúng ta đã chia sẻ từ đầu đến giờ.
Thứ hai, phải hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tốt hơn đầu ra để xuất khẩu đỡ bị giảm. Bây giờ chúng ta giảm 12%, để nó giảm 5-6% thôi là đỡ đi rất nhiều.
Thứ ba là, đầu tư công. Nếu chúng ta giải ngân hết 95% kế hoạch đầu tư công mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thì chúng ta sẽ có thêm 2 điểm phần trăm tăng trưởng.
Thứ tư là, liên quan đến tiêu dùng. Nếu như tiêu dùng của chúng ta tăng thêm 1% thì sẽ tăng trưởng kinh tế tăng thêm 0,2 điểm phần trăm. Nghĩa là giả sử tiêu dùng của chúng ta tăng thêm 10% thì chúng ta có thêm 2 điểm phần trăm tăng trưởng bổ sung thêm.
Cuối cùng, hãy tập trung hơn nữa vào các động lực, các đầu tàu kinh tế của Việt Nam chúng ta, nhất là Hà Nội và TPHCM. Nếu Hà Nội và TPHCM tăng trưởng tốt, thì đóng góp được 40% tăng trưởng, rõ ràng kéo theo rất nhiều.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc rất quan trọng là phối hợp với các bộ ngành, các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Triển khai quyết liệt, chẳng còn cách nào khác là hành động quyết liệt và khẩn trương.
“Cách thực hiện thì hiện nay vẫn theo phạm vi chức năng quản lý của từng bộ ngành thực hiện các nhiệm vụ được giao. Nhưng tôi nghĩ là thực hiện cơ chế thế nào đó để tăng cường giám sát thực thi. Quan trọng hơn là phối hợp giám sát thực thi bởi vì nhiều cơ quan tự phối hợp nhiều khi khó và kéo dài, kể cả chúng ta có mệnh lệnh hành chính”, ông Phan Đức Hiếu chia sẻ .
Ông Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, chính sách tiền tệ rất quan trọng nhưng chính sách thường có độ trễ. Hơn lúc nào hết, chúng tôi muốn nhìn thấy sự vào cuộc chủ động, tích cực của các bộ, ngành, các cấp. Trong bối cảnh này, ngành nào cũng cần thi đua xem chính sách gì hỗ trợ cho sự phát triển, tăng trưởng và doanh nghiệp.
“Tôi tin rằng “sức khoẻ”, sự kiên cường của nền kinh tế Việt Nam rất tốt. Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Trong bối cảnh khó khăn, chúng ta sẽ thấy được những sức mạnh mới, năng lượng mới từ người dân, doanh nghiệp và Chính phủ. Chúng ta sẽ đạt được mục tiêu trong thời gian tới”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.