Lãi suất huy động tại các ngân hàng lớn tiếp tục được điều chỉnh giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua.
Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), lãi suất huy động kỳ hạn 1 và 2 tháng đã giảm từ 3,4%/năm xuống 3,3%/năm.
Tại BIDV, mức lãi suất cao nhất hiện nay là 6,3%, dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên gửi tại quầy. Đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến, BIDV điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng từ 4%/năm xuống còn 3,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 5,6%/năm còn 5,3%/năm.
Riêng tại Agribank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài từ 13 đến 24 tháng tại quầy cũng còn 6%/năm.
Vietcombank cũng giảm lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1 tháng từ 3,6%/năm xuống 3,4%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm từ 4,3%/năm xuống 4,2%/năm; kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng từ 5,2%/năm xuống 5,1%/năm. Lãi suất cao nhất tại 4 ngân hàng này vẫn là 6,3%/năm dành cho các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng.
Còn tại Agribank, lãi suất các kỳ hạn tiền gửi từ 6 – 9 tháng được Agribank điều chỉnh giảm mạnh 0,6 điểm phần trăm, chỉ còn 5,1%/năm. Kỳ hạn 1 – 2 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm còn 4,1%/năm; kỳ hạn 3 – 5 tháng giữ nguyên 4,5%/năm.
Lãi suất các kỳ hạn 13 tháng, 18 tháng và 24 tháng cũng được điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm xuống còn 6%/năm. Riêng tiền gửi kỳ hạn 12 tháng giữ nguyên mức lãi suất cũ 6,3%/năm.
Mặc dù lãi suất ngân hàng trong thời gian vừa qua liên tục giảm, nhưng lượng tiền nhàn rỗi của cư dân vẫn gửi vào ngân hàng. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 5/2023 tổng phương tiện thanh toán tại các tổ chức tín dụng, bao gồm tiền gửi của các tổ chức kinh tế, tiền gửi của dân cư, và tiền các khoản phát hành giấy tờ có giá đạt số dư 14,517 triệu tỷ đồng, tăng 2,05% so với cuối năm 2022.
Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 3,45%, đạt 5,74 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, lượng tiền gửi của dân cư tiếp tục tăng mạnh lên mức 6,347 triệu tỷ đồng, tăng hơn 677.000 tỷ đồng (8,21%) so với cuối năm ngoái và là mức cao kỷ lục.
Như vậy, kể từ đầu năm 2023 đến nay lượng tiền gửi của dân cư luôn lớn hơn so với tiền gửi của các tổ chức kinh tế.