Các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình thế giới, khu vực, chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước.
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 274/TB-VPCP Kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về kết quả công tác quản lý, điều hành giá những tháng đầu năm 2024, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024.
Thông báo nêu, công tác quản lý, điều hành giá trong những tháng đầu năm 2024 tiếp tục chịu nhiều thách thức. Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong các tháng còn lại của năm 2024, các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thông báo số 36/TB-VPCP ngày 31 tháng 01 năm 2024, Thông báo số 193/TB-VPCP ngày 03 tháng 5 năm 2023.
Trong đó, các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình thế giới, khu vực, chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, kịp thời thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4-4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống, phấn đấu khoảng 4%.
Đồng thời, bảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột, căng thẳng địa chính trị.
Không tăng giá đột ngột hoặc tăng giá dồn vào cùng một thời điểm
Thông báo nêu rõ, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, chủ động đánh giá kỹ tác động đến lạm phát, tính toán, chuẩn bị sẵn sàng các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá để xem xét, quyết định khi cần thiết với mức độ, thời điểm phù hợp, tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, không tăng giá đột ngột hoặc tăng giá dồn vào cùng một thời điểm, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Các Bộ: Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát, báo cáo, đề xuất cụ thể lộ trình gắn với mức độ và dự kiến thời điểm thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý (dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; điện; dịch vụ giáo dục…), phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan để đánh giá kỹ tác động đến CPI và mục tiêu kiểm soát lạm phát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 2024.
Không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu
Đối với các mặt hàng cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp. Trong đó:
Xăng dầu: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống và điều hành giá xăng dầu theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu…
Đối với các mặt hàng điện, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các mặt hàng xem xét điều chỉnh giá: các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao rà soát kỹ các yếu tố hình thành giá, phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá kỹ tác động đối với kinh tế – xã hội, mặt bằng giá để chủ động có phương án điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét phương án điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt hàng giá thị trường theo đúng quy định với mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.
Lương thực, thực phẩm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát tình hình sản xuất, biến động giá các yếu tố đầu vào, nhu cầu tiêu dùng của thị trường các mặt hàng nông sản thiết yếu như lúa gạo, thịt lợn, các vật tư nông nghiệp để kịp thời điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường.
Vật liệu xây dựng: Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp bảo đảm cung cầu, bình ổn giá vật liệu xây dựng.
Dịch vụ vận tải hàng không: Bộ Giao thông vận tải thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm, ổn định năng lực vận tải hàng không để cung ứng phù hợp, cân đối tải trên các đường bay và thị trường nội địa/quốc tế, đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của hành khách, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm hè 2024 sắp tới.
Dịch vụ giáo dục: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ động nắm bắt thông tin về mức điều chỉnh học phí của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập năm học 2024-2025 để có đánh giá tổng thể về mức độ tăng và tình hình triển khai thực hiện.