Chủ đầu tư dự án Hồ Thác Bà, thành viên Tập đoàn Alphanam đang kinh doanh ra sao?

Công ty Hồ Thác Bà, thành viên của Tập đoàn Alphanam gần như không phát sinh doanh thu trong nhiều năm. Vì vậy, giới đầu tư bất động sản đang đặt ra câu hỏi về hiện trạng dự án Hồ Thác Bà do công ty này làm chủ đầu tư.

Dự án Hồ Thác Bà: Nguồn Internet
Dự án Hồ Thác Bà: Nguồn Internet

Ngày 27/6/2023, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040.

Theo đồ án, phạm vi lập quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà bao gồm toàn bộ diện tích mặt nước hồ Thác Bà và vùng phụ cận thuộc địa giới hành chính huyện Yên Bình và huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Mục tiêu của đồ án là phát triển hồ Thác Bà trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa truyền thống và hệ sinh thái lòng hồ.

Trong cuộc họp này, Dự án khu công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà (Dự án hồ Thác Bà) do Công ty Cổ phần Đầu tư công viên văn hóa, thể thao, du lịch và đô thị hồ Thác Bà (Công ty hồ Thác Bà – thành viên của Tập đoàn Alphanam) làm chủ đầu tư không được nhắc đến.

Trước đó, trong năm 2022, dự án gây xôn xao dư luận vì chậm tiến độ và có nguy cơ bị thu hồi để đấu thầu lại.

Chủ đầu tư không có doanh thu

Dự án hồ Thác Bà đã được tỉnh Yên Bái ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư vào cuối tháng 5/2018. Dự án dự kiến được triển khai trên diện tích đất thuộc các xã Đại Đồng, Thịnh Hưng, thị trấn Yên Bình, thị trấn Thác Bà của huyện Yên Bình (Yên Bái).

Tổng vốn đầu tư dự án hồ Thác Bà lên tới 4.980 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có là khoảng 747 tỷ đồng, còn lại hơn 4.232 tỷ đồng là vốn vay các tổ chức tín dụng.

Tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án là 12 năm kể từ ngày được cấp Quyết định chủ trương đầu tư. Theo đó, giai đoạn 1 (Khu số II) hoàn thành năm 2021, giai đoạn 2 (Khu số I) hoàn thành năm 2022 – 2024.

Tuy nhiên, đến năm 2022, dự án có dấu hiệu chậm tiến độ.

Theo dữ liệu tài chính, tại ngày 31/12/2022, giá trị Hàng tồn kho của Công ty hồ Thác Bà chỉ là 0 đồng; Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng nhẹ từ 30,8 tỷ đồng lên 58,2 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này cho thấy công ty không có nhiều hoạt động đáng kể để triển khai dự án trong năm 2022.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này cũng đứng im trong nhiều năm.

Hồ Thác Bà thành lập năm 2019 nhưng suốt 4 năm hoạt động, công ty không hề phát sinh doanh thu bán hàng. Nguồn thu chính của công ty đến từ hoạt động tài chính. Năm 2022, doanh thu hoạt động tài chính đạt 94,7 triệu đồng, tăng nhẹ so với 79,4 triệu đồng của năm 2021.

Không có dấu hiệu nào cho thấy hồ Thác Bà có hoạt động vì các chi phí chính như Chi phí quản lý doanh nghiệp, Chi phí bán hàng và Chi phí tài chính đều là 0 đồng. Nhờ đó, công ty ghi nhận lợi nhuận năm 2022 là 75,8 triệu đồng, tăng so với 63,5 triệu đồng năm 2021.

Chỉ có 18,3 triệu tiền mặt, 54,3% tài sản nằm ở chứng khoán

Với hoạt động kinh doanh chính, hồ Thác Bà gần như là số 0, thế nhưng công ty lại năng nổ ở mảng chứng khoán.

Tại ngày 31/12/2022, công ty chỉ có 156 triệu đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Đáng chú ý, tiền mặt chỉ là 18,3 triệu đồng. Số còn lại là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn.

Trong khi đó, hồ Thác Bà có tới 145 tỷ đồng nằm ở Chứng khoán kinh doanh, không đổi so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, công ty không thuyết minh rõ công ty đã rót tiền vào những loại chứng khoán nào.

Ngoài ra, cần phải nhấn mạnh rằng hàng năm do lợi nhuận phát sinh rất khiêm tốn nhưng số tiền thuế mà công ty phải nộp cũng chỉ đạt vài chục triệu đồng. Thế nhưng, công ty thường xuyên ghi nhận những khoản nợ phải trả về thuế.

Cuối năm 2022, Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tại hồ Thác Bà là 62,9 triệu đồng, tăng nhẹ so với 44,1 triệu đồng của năm 2021.

Theo VnMedia

Scroll
0793678999
0793678999