Công ty Nhà Anh Tuấn, chủ đầu tư dự án Anh Tuấn Apartment đã có nhiều năm thua lỗ liên tiếp và âm vốn chủ sở hữu từ lâu.
Dự án Anh Tuấn Apartment: Nguồn Internet |
Kinh doanh yếu kém, âm vốn chủ sở hữu
Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh Nhà Anh Tuấn (Nhà Anh Tuấn) không phải là “ông lớn” trong làng bất động sản. Tuy nhiên, công ty đã định vị được bản thân ở phân khúc bình dân.
Nhà Anh Tuấn thành lập ngày 18/4/2001 với người đại diện pháp luật là ông Dương Tuấn Tú. Theo giới thiệu, từ một công ty nhỏ, doanh nghiệp đạt bước phát triển nhảy vọt về cơ cấu tổ chức, tiềm lực tài chính cũng như số lượng cán bộ công nhân viên, từ đó tạo nên hệ sinh thái Anh Tuấn Group.
Nhà Anh Tuấn đã “chào sân” với một số dự án ít nhiều được chú ý trên thị trường như chung cư Anh Tuấn Apartment, dự án khu dân cư Anh Tuấn Garden, khu dân cư Green Riverside,…
Thời gian này, Anh Tuấn Apartment đang được chào bán rộng rãi trên mạng xã hội. Giá chung cư tại đây dao động từ 17,5 triệu đồng tới 21,4 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, khác với những lời giới thiệu “có cánh”, trên thực tế, Nhà Anh Tuấn đối diện với bức tranh tài chính u ám suốt nhiều năm qua: Thua lỗ triền miên và âm vốn chủ sở hữu.
Trong giai đoạn 5 năm gần đây (2017-2021), doanh thu của Nhà Anh Tuần lần lượt đạt 94 triệu đồng (năm 2017), 46,4 tỷ đồng (năm 2018), 23 tỷ đồng (năm 2019), 0 đồng (năm 2020) và 1 tỷ đồng (năm 2021).
Doanh thu èo uột nên công ty thua lỗ triền miên với các khoản thua lỗ: -74,7 tỷ đồng (năm 2017), -30,9 tỷ đồng (năm 2018), -122 tỷ đồng (năm 2019), -3,3 tỷ đồng (năm 2020) và -11,7 tỷ đồng (năm 2021).
Tại ngày 31/12/2017, công ty âm vốn chủ sở hữu 44,2 tỷ đồng. Sau giai đoạn dài thua lỗ, tại ngày 31/12/2021, công ty ghi nhận âm vốn chủ sở hữu tới 156 tỷ đồng.
Hệ sinh thái Dương Tuấn Tú
Tại Nhà Anh Tuấn, ngoài vai trò người đại diện pháp luật, ông Dương Tuấn Tú còn là Tổng giám đốc công ty. Đồng thời, có thời điểm ông Dương Tuấn Tú sở hữu 90% vốn Nhà Anh Tuấn, 10% còn lại thuộc về ông Dương Minh Phát.
Ngoài ra, ông Dương Tuấn Tú còn thể hiện vai trò “hạt nhân” của mình trong hệ sinh thái Anh Tuấn Group. Ngoài Nhà Anh Tuấn, ông Dương Tuấn Tú còn là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Công ty cổ phần Đầu tư Anh Tuấn.
Không thua lỗ thảm như Nhà Anh Tuấn nhưng Đầu tư Anh Tuấn cũng có bức tranh tài chính u ám khi chưa thể xóa lỗ lũy kế, đồng thời cũng rơi vào tình cảnh “khả năng trả nợ yếu” như Nhà Anh Tuấn.
Trong khi đó, một vài cái tên khác trong “hệ sinh thái” Dương Tuấn Tú lại có quy mô rất khiêm tốn.
Công ty TNHH Xây dựng thương mại Đức Hưng Phát thành lập ngày 22/3/2011 với ngành nghề chính là “Xây dựng nhà các loại”. Ông Dương Tuấn Tú không phải người sáng lập công ty.
Tại ngày 9/5/2016, vốn điều lệ của công ty là 10 tỷ đồng, gồm 2 cổ đông: Ông Dương Vũ Hưng (sở hữu 98% vốn) và ông Phạm Trung Đức (sở hữu 2% vốn).
Tới ngày 18/11/2019, ông Dương Tuấn Tú nhận chuyển nhượng 98% vốn từ ông Dương Vũ Hưng, ông Dương Anh Tuấn sở hữu 2% còn lại. Vốn điều lệ công ty vẫn duy trì ở mức 10 tỷ đồng.
Hiện tại, công ty đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế.
Công ty TNHH Xây dựng Thương mại quốc tế Tuấn Long thành lập ngày 25/9/2012 với ngành nghề chính là “Xây dựng nhà các loại”. Sau nhiều năm hoạt động, tới đầu năm 2021, vốn điều lệ của công ty mới chỉ hơn 43 tỷ đồng. Sau đó, tới ngày 15/4/2021, vốn điều lệ công ty mới vọt lên 150 tỷ đồng. Bà Dương Ngọc Trang sở hữu 99,983% vốn, 0,017% còn lại thuộc về bà Trần Thị Thu Thảo.
Rất nhanh sau đó, tới ngày 24/5/2021, cơ cấu cổ đông thay đổi. Ông Dương Tuấn Tú sở hữu 99,983% vốn thay cho bà Dương Ngọc Trang. Đồng thời, ông Dương Tuấn Tú vẫn giữ chức vụ Giám đốc kiêm người đại diện công ty.