Bộ Công Thương vừa đưa ra phương án mới về việc sửa đổi cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Dự thảo lần này được Bộ Công Thương đưa ra có nhiều điểm mới. Đặc biệt là về biên độ điều chỉnh tăng/giảm được quy định rõ ràng hơn và rút ngắn thời gian điều chỉnh.
Cụ thể, trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, EVN sẽ tính toán giá bán điện bình quân.
Trong trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN sẽ có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng. Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN được điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng.
Sau khi tăng giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát. Nếu giá điện tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ báo cáo, được Bộ Công Thương chấp thuận thì sẽ tăng giá.
Với mức tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 10% trở lên so với mức hiện hành hoặc ngoài khung giá, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, rút ngắn hơn so với quy định hiện hành là 6 tháng.
Trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống do Bộ Công Thương ban hành, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, EVN sẽ tính toán giá bán điện bình quân.
Quy định hiện hành tại Quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đã nêu: EVN được điều chỉnh giá điện khi thông số đầu vào biến động từ mức 3% trở lên so với mức bình quân hiện hành.
Ngược lại, trường hợp khi thông số đầu vào biến động làm cho giá bán điện bình quân giảm so với mức hiện hành thì giá điện cũng được điều chỉnh giảm.
Nếu giá bán điện bình quân tăng 3-5% so với mức giá hiện hành, EVN được quyết định điều chỉnh giá; mức giá bán lẻ bình quân tăng từ 5% đến dưới 10% thì thẩm quyền thuộc Bộ Công Thương và tăng từ 10% trở lên thì sẽ báo cáo Chính phủ xin ý kiến. Hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,37 đồng/kWh, áp dụng từ ngày 4/5/2023.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện dựa vào giá bán lẻ điện bình quân nêu trên. Theo đó, giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt được rút ngắn từ 6 bậc hiện hành về còn 5 bậc.
Theo dự thảo, hộ nghèo theo tiêu chí về thu nhập do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định (không thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện) và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 kWh được hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Kinh phí hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn tài chính hợp pháp khác.