Báo cáo kinh tế – xã hội Quý I/2023 cho thấy, dù toàn hệ thống đã nỗ lực rất cao, nhưng tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32%. Nhiều địa phương – trong đó có những địa phương được xem là đầu tàu, là động lực thúc đẩy kinh tế trong nước – ghi nhận mức tăng trưởng cũng rất thấp.
Quý I/2023 xuất siêu 4,8 tỷ USD
Tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” do Bộ Công Thương tổ chức, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn chưa kết thúc, các quốc gia đang phải tập trung phục hồi kinh tế, chống lại sự đứt gãy của nhiều chuỗi cung ứng cũng như tình hình lạm phát ngày càng lan rộng, căng thẳng.
Thế giới đang tiếp tục lâm vào những cuộc khủng hoảng mới về chính trị, kinh tế, thậm chí là chiến tranh cục bộ và chạy đua vũ trang. Nhiều quốc gia đang phải vất vả, tốn kém để đạt được các thỏa thuận trong hiệp định thương mại tự do (song phương, đa phương) nhằm thuận lợi hóa thương mại để thúc đẩy sản xuất. Trong khi đó, một số nước phát triển lại đã và đang dựng lên các hàng rào kỹ thuật, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.
“Trong bối cảnh như vậy, người sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trong nước là những đối tượng chịu sự tổn thương nhiều nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.
Báo cáo kinh tế – xã hội Quý I/2023 cho thấy, dù toàn hệ thống đã nỗ lực rất cao, nhưng tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32%. Nhiều địa phương – trong đó có những địa phương được xem là đầu tàu, là động lực thúc đẩy kinh tế trong nước – ghi nhận mức tăng trưởng cũng rất thấp.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, mặc dù kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2023 có sự hồi phục, ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước nhưng xuất khẩu tháng 3 vẫn giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước, do những khó khăn trong sản xuất và sụt giảm đơn hàng xuất khẩu…
Tính chung quý I/2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với quý I/2022 (có 16 mặt hàng), chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%).
Một số nguyên nhân được chỉ ra, thứ nhất là do yếu tố thị trường xuất khẩu, các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, giảm tổng cầu trên phạm vi toàn thế giới, đặc biệt là hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu. Tuy nhiên, tác động đến từng ngành hàng có sự khác nhau.
Điểm tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu quý I/2023 là cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu, thặng dư đạt 4,8 tỷ USD và đến hết tháng 4, có thể đạt 5,8 tỷ USD. Trong đó có một số mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực như rau quả đạt 912 triệu USD, tăng 16,2%; mặt hàng gạo đã xuất 1,86 triệu tấn, đạt 981 triệu USD, tăng 34% giá trị… Thậm chí tính đến ngày 15/4, Việt Nam đã xuất 2,37 triệu tấn gạo, đạt 1,2 tỷ USD, tăng 45% về giá trị.
Cần mạnh mẽ tái cơ cấu doanh nghiệp
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong thời gian tới, dự báo tình hình chính trị kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, khó đoán định, dự báo tăng trưởng thấp hơn so với đầu năm, trong khi đó, trong nước, tác động từ vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản đóng băng và tâm lý ngại trách nhiệm của một số bộ phận cơ quan, tổ chức, cá nhân…, cũng tác động đến tình hình sản xuất và xuất khẩu trong nước.
Để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu thời gian tới, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan và các Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt và vận dụng các chủ trương, quan điểm, cơ chế, chính sách hiện có của Đảng, Nhà nước. Triệt để khai thác các thị trường mà nước ta là thành viên trong các FTA để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.
Cùng với đó, tập trung nghiên cứu và tăng cường nắm bắt cơ chế chính sách của các nước nhập khẩu (nhất là những cơ chế, chính sách mới) để có những “phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, người sản xuất, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu ứng phó, vượt qua các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu cần mạnh mẽ tái cơ cấu doanh nghiệp trong các khâu quản trị, tổ chức sản xuất, tiết giảm chi phí, đồng thời đẩy mạnh liên kết sản xuất và chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng các thương hiệu sản phẩm để xuất khẩu bền vững.
Ngoài ra, tập trung củng cố các hiệp hội, khắc phục tình trạng “mạnh ai nấy chạy, việc ai nấy làm” để xây dựng, phát triển hiệp hội ngày càng lớn mạnh, cùng nhau phát triển.