Những ứng dụng khoa học công nghệ, khoa học quản trị trong nông nghiệp thông minh, công nghệ môi trường và phát triển bền vững của Tập đoàn TH đã thu hút sự quan tâm tại Triển lãm vừa khai mạc sáng 28/10.
Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 được tổ chức tại Hà Nội, ngay trong khuôn viên Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC Hòa Lạc) vừa được Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành cắt băng khánh thành. Tại triển lãm, những ứng dụng khoa học công nghệ, khoa học quản trị 4.0 trong nông nghiệp thông minh, công nghệ môi trường và phát triển bền vững của Tập đoàn TH đã thu hút sự quan tâm của các bộ, ban, ngành cũng như các chuyên gia quốc tế và Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp và cơ quan thông tấn.
Người xem triển lãm tìm hiểu các ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Tập đoàn TH. Ảnh: Mạc Hóa |
Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 là trọng điểm kết nối các thành tố của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức tiên tiến, chia sẻ thành tựu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiêu biểu của Việt Nam và thế giới. Đến với triển lãm với vai trò là đại diện doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, Tập đoàn TH giới thiệu những công nghệ hiện đại đang được doanh nghiệp này ứng dụng thành công trong lĩnh vực nông nghiệp của Tập đoàn, đặc biệt là tại Cụm trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất khép kín quy mô lớn nhất thế giới (do Liên minh Kỷ lục Thế giới ghi nhận năm 2020).
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý đàn bò sữa
Ở Việt Nam thời điểm năm 2009, khi Cách mạng Công nghiệp 4.0 vẫn còn là một khái niệm mới mẻ, thì với tầm nhìn kiên định và tư duy quản trị vượt trội của Anh hùng Lao động Thái Hương, ngay từ những bước chân đầu tiên, TH đã ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo trong quản lý đàn bò, ứng dụng khoa học công nghệ trong phối trộn khẩu phần tại Trung tâm Thức ăn và Dinh dưỡng, hệ thống quản lý SAP trong quản trị, công nghệ xanh để cắt giảm phát thải nhà kính… nhằm xây dựng chuỗi sản xuất bền vững “từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch”.
Sự kết hợp giữa khoa học công nghệ cao, khoa học quản trị 4.0 đồng bộ giúp mang lại sản lượng, chất lượng sữa tươi sạch luôn ổn định, được kiểm soát chặt chẽ, giảm chi phí, giá thành và phát triển bền vững.
Con chip đeo chân bò có thể giúp phát hiện sớm bệnh viêm vú bò trước 4 ngày để ngay lập tức cách ly, điều trị. |
Hiện tại, trang trại TH áp dụng công nghệ quản lý Afifarm (của công ty SAE Afikim, Israel). Đây là công nghệ hiện đại nhất thế giới về quản lý bò sữa. Công nghệ này có thể phát hiện các vấn đề về sức khỏe của bò ở giai đoạn sớm qua con chip AfiTag được gắn vào chân từng con bò. Nhờ vậy, đàn bò tiệm cận 70.000 con của TH luôn được theo dõi sức khỏe theo thời gian thực, phát hiện động dục tự động một cách chính xác, tối ưu thời điểm phối giống.
Thậm chí, TH còn có thể phát hiện sớm bệnh viêm vú bò trước 4 ngày để ngay lập tức cách ly, điều trị. Hệ thống quản lý vắt sữa có thể tự động phân tích, phát hiện dòng sữa không đủ vi chất theo yêu cầu, từ đó không cho phép vắt sữa và thông báo lên hệ thống quản lý đàn để bổ sung thức ăn cho cá thể bò.
Tập đoàn TH triển khai hệ thống camera AI để hỗ trợ theo dõi và quản lý đàn. Hệ thống đếm số lượng bò đang ăn tại từng khu vực, sau đó tự động hóa điều chỉnh công suất quạt, phun sương phù hợp với nhu cầu, giúp tiết kiệm chi phí điện, nước và xử lý nước thải. Nếu thức ăn tại một chuồng cụ thể còn quá ít, hệ thống sẽ đưa ra cảnh báo để kịp thời cung cấp đầy đủ cho đàn bò.
Tại trang trại TH, việc lập khẩu phần, phối trộn chế biến và cung cấp thức ăn cho bò sữa hoàn toàn tự động bằng vi tính hóa 100% dưới sự tư vấn và điều hành bởi các chuyên gia dinh dưỡng Israel trên công nghệ phần mềm Skiold (Đan Mạch), giúp kiểm soát việc nhập nguyên liệu thức ăn tinh, nghiền, phối trộn các công thức thức ăn tinh. Công nghệ NDS Professional (Nutritional Dynamic Sys- tem) của Ý giúp lập khẩu phần thức ăn phù hợp dinh dưỡng, định lượng cho từng cá thể bò, hay công nghệ 1-ONE của Israel hỗ trợ điều hành phối trộn và rải thức ăn. Hiện tại, Trung tâm Thức ăn và Dinh dưỡng của TH phối trộn trung bình 2.000 tấn thức ăn mỗi ngày.
Tập đoàn TH đặc biệt quan tâm tới nguyên liệu thức ăn cho bò. TH ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong trồng trọt thức ăn chăn nuôi. Tất cả các thửa đất thuộc cánh đồng TH đều được đồng bộ vào hệ thống bản đồ GPS và Google Map để xác định hướng canh tác tối ưu cho máy móc công suất lớn.
Nhằm đảm bảo cung cấp đúng lượng nước cây trồng cần, TH sử dụng các cảm biến hiện đại của Israel (Mottes) hay của Mỹ (Hobolink), của ÚC (FieldNET) để tự động đo độ ẩm của đất, xác định lượng nước cần tưới và thời điểm tưới. Những thông tin quan trọng này được gửi trực tiếp tới thiết bị di động của người quản lý, đưa ra cảnh báo khi độ ẩm đất thấp. Các cánh đồng của TH sử dụng hệ thống tưới tự động theo nhu cầu cây trồng và độ ẩm đất mong muốn.
TH hiện có 15 giàn tưới tự động hiện đại, mỗi giàn dài từ 350-550 m, tích hợp tính năng bón phân hiệu quả. Ảnh: Lê Thăng |
Trong quản trị, Tập đoàn TH ứng dụng nền tảng SAP S/4 HANA – một thành tựu công nghệ mới nhất trong khoa học quản trị. SAP S/4 HANA tạo ra bệ phóng sẵn sàng để kết nối với các công nghệ mới hiện đại phụ trợ xung quanh như IoT, Máy học, AI, Big Data… để đổi mới các hoạt động quản trị cho đàn bò quy mô lớn và ngày càng mở rộng; đáp ứng xu hướng vận hành liên trang trại; cùng với đó là quản trị các dữ liệu sản xuất, bán hàng; chuyển đổi dần từ hình thức bán hàng trực tiếp sang trực tuyến.
Tập đoàn TH ứng dụng nền tảng SAP S/4 HANA – một thành tựu công nghệ mới nhất trong khoa học quản trị. |
Công nghệ xanh hướng tới Net Zero
Nhằm hướng tới mục tiêu Net Zero và thực hiện cam kết với chính phủ, Tập đoàn TH sử dụng công nghệ cao, công nghệ xanh để cắt giảm phát thải khí nhà kính, quản lý năng lượng hiệu quả tại các nhà máy, sử dụng năng lượng tái tạo…
Từ năm 2020, Tập đoàn TH triển khai dự án điện mặt trời mái nhà. Hệ thống giúp tiết kiệm 29.000 kWh/tháng, góp phần giảm đáng kể lượng khí phát thải ra môi trường. Riêng năm 2022, trang trại TH đã hòa lưới điện xấp xỉ 7 triệu Kwh (đáp ứng gần 10% lượng điện tiêu dùng tại đơn vị trang trại), tương đương giảm hơn 4.500 tấn CO2/năm. TH thực hiện dự án thu hồi nước ngưng ở một số thiết bị chủ chốt. Lượng nước ngưng thu hồi được chiếm 50-60% tổng lượng hơi cấp cho sản xuất, tiết kiệm dầu FO cho nhà máy.
Điện mặt trời trên mái các trang trại bò sữa TH |
Năm 2022, hệ thống trang trại của TH đã giảm phát thải trung bình hơn 20%/đơn vị sản phẩm. Riêng với Công ty cổ phần Sữa TH, lượng phát thải giảm mạnh xuống còn 0,103 kg CO2/đơn vị sản phẩm. Đây là mức thấp vượt trội so với kết quả giảm phát thải của các nhà máy sữa ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Hiện tại, Tập đoàn TH đã áp dụng mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn vào tất cả các công đoạn của quy trình chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất. Một minh chứng tiêu biểu là việc xây dựng hệ thống xử lý phân và nước thải của đàn bò.
Mỗi ngày chất thải của bò được thu gom, tách nước và ép khô trước khi đưa đi xử lý, khối lượng vào khoảng 400 tấn sau khi đã làm khô.
Ngoài lượng chất thải của bò đã làm khô, nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ còn có thức ăn thừa, bã mía và bùn sinh học sinh ra trong quá trình xử lý nước thải của các trang trại.
Điều này cho thấy các phụ phẩm của quá trình chăn nuôi trong trang trại của Tập đoàn TH đều được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất phân bón, khẳng định chủ trương phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của Tập đoàn.