Theo dữ liệu của HNX tại ngày 14/9/2023, DOJI không còn lô trái phiếu nào đang lưu hành. Như vậy, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp của ông Đỗ Minh Phú đã tất toán hết các lô trái phiếu đã phát hành để “nuôi” mảng bất động sản.
Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI mới đây đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 với mức lãi sau thuế giảm mạnh so với con số hơn 1.000 tỷ của cả năm 2022.
Cụ thể, theo báo cáo, 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của DOJI chỉ đạt 153,7 tỷ đồng, tương đương với tỷ suất lợi nhuận là 2,4% thấp hơn rất nhiều con số 17,39% của cả năm 2022.
Về cơ cấu nguồn vốn, tại ngày 30/6/2023, vốn chủ sở hữu của DOJI đạt gần 6.441 tỷ đồng, tăng thêm 79 tỷ đồng so với cuối năm trước. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 1,95 lần lên 2,05 lần, tương ứng tổng giá trị nợ phải trả trên 13.200 tỷ đồng.
Một điểm sáng trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc này là tính đến ngày 30/6/2023, dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu của DOJI đã giảm từ 0,1 lần (hồi đầu năm) xuống còn 0,02 lần, tương ứng giá trị còn lại là 129 tỷ đồng.
Đây là dư nợ của lô DOJI.L.20.23.001 được phát hành vào ngày 31/07/2020, kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn vào 31/07/2023. Khối lượng gồm 7.5 triệu trái phiếu, mệnh giá 100,000 đồng/trái phiếu, huy động tổng cộng 750 tỷ đồng. Lãi suất áp dụng là 9.5%/năm, với tổ chức lưu ký là CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV).
Tuy nhiên, theo dữ liệu của HNX tại ngày 14/9/2023, DOJI không còn lô trái phiếu nào đang lưu hành. Như vậy, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp của ông Đỗ Minh Phú đã tất toán hết các lô trái phiếu đã phát hành để “nuôi” mảng bất động sản.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó như chúng tôi đã đưa tin, vào đầu tháng 4/2023, doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc này đã có báo cáo gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố thông tin định kỳ về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2022.
Tại thông báo trên, DOJI cho biết, trong năm 2022 đã thanh toán 110 tỷ đồng tiền gốc trái phiếu vào ngày 1/4/2022. Đây là lô trái phiếu có thời hạn 36 tháng được phát hành vào ngày 31/7/2020 với tổng mệnh giá là 750 tỷ đồng.
Đáng chú ý, vào các ngày từ 16-26/12/2022, DOJI đã hoàn thành tất toán 2.100 tỷ đồng của 4 lô trái phiếu có ký hiệu: DVPCH2126001, DVPCH2126002, DVPCH2126003 và DVPCH2126004.
Theo tìm hiểu, đây hầu hết là các lô trái phiếu được DOJI phát hành với mục đích dùng số tiền thu được để hợp tác kinh doanh, đầu tư với các công ty thành viên và nhằm mở rộng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Trước đó, chỉ trong khoảng thời gian hơn 1 năm từ 31/7/2020- 20/9/2021 doanh nghiệp này đã phát hành 5 lô trái phiếu liên tiếp với tổng mệnh giá lên tới gần 3.000 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 31/7/2020, Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI đã phát hành lô trái phiếu DOJI.L.20.23.001 với giá trị 750 tỷ đồng.
Tiếp đó, ngày 24/5/2021, doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc này tiếp tục phát hành lô trái phiếu DVPCH2126001 với mệnh giá 300 tỷ đồng. Sau đó, tròn 1 tháng, vào ngày 24/6/2021 lại tiếp tục cho lưu hành ra thị trường một lô trái phiếu DVPCH2126002 cùng với mệnh giá 300 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong tháng 9/2021, DOJI đã phát hành 2 lô trái phiếu với mệnh giá 1.500 tỷ đồng, gồm các mã DVPCH20126003 và DVPCH2126004 vào các ngày 9/9/2021 và 20/9/2021.
Tuy nhiên, trong năm 2022, khi nhiều vụ huy động trái phiếu trái quy định của pháp luật, điển hình như vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát được phanh phui đưa ra ánh sáng, trong tháng 12/2022, Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI đã ráo riết mua lại trước hạn toàn bộ 4 lô trái phiếu với tổng giá trị 2.100 tỷ đồng.