Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm ban hành phương pháp định giá SGK theo quy định của Luật giá vừa được Quốc hội thông qua, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá SGK.
Phát biểu kết luận Phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn – Trưởng đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của Đoàn giám sát; đồng thời phân tích, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hết sức sâu sắc, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, trách nhiệm trong triển khai, thực hiện, nhất là 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình.
Các ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các cơ quan tham dự phiên họp cơ bản đồng tình, nhất trí cao với Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 của Quốc hội đã được cả hệ thống chính trị, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục và toàn thể đội ngũ giáo viên, nhà quản lý giáo dục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và quyết tâm cao, tạo ra chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung phiên họp. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành địa phương nhìn nhận, rút kinh nghiệm về các tồn tại, hạn chế; khẩn trương triển khai các kiến nghị nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát để triển khai thành công Chương trình.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc rà soát danh mục văn bản hết hiệu lực của Luật Giáo dục 2005, khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Giáo dục 2019. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chương trình theo lộ trình, tiến độ, chất lượng. Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Rà soát, đánh giá tác động về việc tích hợp nội dung các môn học ở bậc trung học cơ sở, điều chỉnh kịp thời nếu thấy không phù hợp. Tiếp tục chú trọng việc hướng dẫn việc đổi mới nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục.
Đề nghị Chính phủ sớm ban hành phương pháp định giá sách giáo khoa theo quy định của Luật giá vừa được Quốc hội thông qua, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá sách giáo khoa. Chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về lựa chọn sách giáo khoa theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên, cơ sở giáo dục và việc sử dụng sách giáo khoa của học sinh.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu thấu đáo, đánh giá tác động, nêu rõ những khó khăn, hạn chế, làm rõ trách nhiệm khi chưa có một bộ sách giáo khoa của Nhà nước và xem xét trình Quốc hội cho ý kiến về chủ trương giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước theo đúng Nghị quyết 88. Có cơ chế miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản bộ sách giáo khoa do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả. Việc in, phát hành, cung ứng sách khoa thực hiện theo cơ chế xã hội hóa. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa theo đúng tinh thần Nghị quyết 88.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, xây dựng, củng cố đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là một trong những yếu tố then chốt bảo đảm cho sự thành công của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Do đó, cần đặc biệt quan tâm tới chính sách đãi ngộ, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên phổ thông nói riêng, đội ngũ nhà giáo nói chung, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao và cho rằng, cần tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng, “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”. Cần phải ưu tiên bố trí đầy đủ ngân sách cho giáo dục và đào tạo theo quy định.
Tại phiên họp, 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự phiên họp đã biểu quyết, nhất trí với các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết. Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Đoàn giám sát nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu tham dự để hoàn thiện báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ bằng văn bản, có ý kiến của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trình ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề theo đúng quy định.