Đề án Đào tạo, Chuyển đổi nghề lao động Nông nghiệp nông thôn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030 đặt mục tiêu đóng góp thêm 14% tỷ lệ lao động qua đào tạo của vùng, và góp phần đạt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của vùng (25%);
Số lượng lao động cần đào tạo nghề là 1,6 triệu lao động; khoảng 80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc (tương đương đào tạo 3.500 giám đốc hợp tác xã).
Đề án sẽ đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn; cán bộ, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác và trang trại nông nghiệp, các cơ sở đào tạo; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các đơn vị dịch vụ việc làm của 13 tỉnh vùng ĐBSCL.
Từ đó, đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường lao động trong nước và quốc tế, cũng như sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập cho lao động nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, các cơ quan, đơn vị liên quan của các bộ, ngành phối hợp các địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền đào tạo nghề, tư vấn hướng nghiệp, học nghề, khởi nghiệp cho lao động nông thôn; xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu, tài liệu đào tạo, danh mục thiết bị đào tạo phục vụ đào tạo chuyển đổi nghề nông nghiệp nông thôn.
Các cơ sở đào tạo nghề đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề, ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo nhằm gia tăng khả năng tiếp cận và nâng cao trí thức cho lao động nông thôn;…
Đặc biệt, để thu hút lao động nông thôn tham đào tạo nghề, bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho rằng cần có chính sách ưu tiên để khuyến khích việc chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động chuyển dịch trực tiếp từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề khác.
Bên cạnh đó, thông qua đề án đào tạo, chuyển đổi nghề lao động nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030, bà Mỹ Hưng đề xuất Đề án nên kêu gọi sự tham gia của các đơn vị sử dụng lao động như: doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác… phối hợp với các cơ sở đào tạo để “đặt hàng” lao động theo ngành nghề phù hợp với nhu cầu thị trường.