10 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam

Tổng cục Hải quan cho biết, tính chung 10 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam đã giảm 27,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trị giá nhập khẩu trong tháng 9/2023 đạt 28,48 tỷ USD, giảm 2,9% tương ứng với giảm 839 triệu USD so với tháng 8/2023. Như vậy, trong 9 tháng , tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 237,33  tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.

Quy mô nhập khẩu hàng hóa trong 9 tháng giảm 38,76 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giảm mạnh nhất là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện giảm 9,74 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 4,04 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu giảm 2,64 tỷ USD; sắt thép các loại giảm 2,03 tỷ USD; vải các loại giảm 1,86 tỷ USD; kim loại thường khác giảm 1,66 tỷ USD; hóa chất giảm 1,57 tỷ USD; linh kiện phụ tùng ô tô giảm 1,37 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,14 tỷ USD; sản phẩm hóa chất giảm 1,13 tỷ USD. Tính chung 10 nhóm hàng này đã giảm 27,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, đối với máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 9/2023, nhập khẩu nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt tới 8,59 tỷ USD và xác lập mức trị giá cao nhất từ trước tới nay.

Tính lũy kế trong 9 tháng/2023, nhập khẩu nhóm hàng này đã đạt 62,82 tỷ USD, chỉ giảm nhẹ 1,8%, tương ứng giảm 1,14 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 9 tháng qua, nhập khẩu nhóm hàng này từ thị trường Trung Quốc giảm mạnh nhưng nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc lại tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, nhập khẩu từ Trung Quốc là 16,61 tỷ USD, giảm 11,4%; nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 20,17 tỷ USD, tăng 10,4%. Với kết quả này, Hàn Quốc đã vượt Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện cho Việt Nam.

Đối với mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác trong tháng 9/2023, nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác đạt 3,58 tỷ USD, giảm 4,1%. Tính chung trong 9 tháng/2023, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này là 30,35 tỷ USD, giảm 11,8%, tương ứng giảm 4,04 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng về Việt Nam trong 9 tháng/2023 từ thị trường Trung Quốc với 16,20 tỷ USD, giảm 13,3 %, tương ứng giảm 2,48 tỷ USD; tiếp theo từ thị trường Hàn Quốc với 4,18 tỷ USD, giảm 13,1%, tương ứng giảm 629 triệu USD; từ thị trường Nhật Bản với 2,98 tỷ USD, giảm 6,7%, tương ứng giảm 215 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung nhập khẩu nhóm hàng này từ 3 thị trường chủ lực đạt 23,36 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 77% trong tổng trị giá nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng của cả nước.

Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy), trị giá nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày trong tháng 9 là 2,03 tỷ USD, giảm nhẹ 1% so với tháng trước. Tính chung, trong 9 tháng/2023, nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày là 17,77 tỷ USD, giảm 18,1% (tương ứng giảm 3,92 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may da giày nhập khẩu vào Việt Nam trong 9 tháng/2023 chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng tới 53%, với 9,34 tỷ USD, giảm 15,6% (tương ứng giảm 1,73 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Riêng đối với điện thoại các loại và linh kiện, trong tháng 9/2023, nhập khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện là 950 triệu USD. Tính lũy kế trong 9 tháng/2023, nhập khẩu nhóm hàng này là 6,05 tỷ USD, giảm mạnh tới 61,7%, tương ứng giảm tới 9,74 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do giảm mạnh ở thị trường Hàn Quốc, với trị giá nhập khẩu trong 9 tháng/2023 chỉ là 423 triệu USD, trong khi đó cùng kỳ năm trước đạt tới 8,35 tỷ USD.

Theo Vnmedia 

Scroll
0793678999
0793678999