Đến thời điểm đầu tháng 10/2023, Hà Nội có 6 dự án nhà ở xã hội và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đủ điều kiện vay vốn gói 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 3/6 dự án nhà ở xã hội có nhu cầu vay vốn.
-
Dự án nhà ở xã hội quây tôn chờ làm thủ tục, môi giới đã “đua nhau” rao bán
-
Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Nâng lợi nhuận cho chủ đầu tư xây nhà ở xã hội lên 15% sẽ làm giá bán nhà tăng
UBND TP. Hà Nội mới đây đã có báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng về nhu cầu vay vốn phát triển dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ theo Chương trình tín dụng 120.000tỷ đồng.
Tại báo cáo trên, UBND TP.Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm đầu tháng 10/2023, trên địa bàn thành phố có 6 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng; trong đó, có 4 dự án (gồm 3 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư) có nhu cầu vay vốn. Hai dự án nhà ở xã hội khác hiện chưa báo cáo về nhu cầu vay vốn.
Cụ thể, dự án nhà ở xã hội Kim Hoa, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh do Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thân Hà làm chủ đầu tư với 720 căn hộ có nhu cầu vay vốn ưu đãi.
Dự án nhà ở xã hội thuộc Khu đô thị mới Thanh Lâm – Đại Thịnh 2 do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư có quy mô 760 căn hộ, được khởi công quý 4/2023 và dự kiến hoàn thành quý 4/2025 có nhu cầu vay vốn.
Dự án Khu nhà ở xã hội IEC, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và cơ điện IEC làm chủ đầu tư; quy mô xây dựng 1.237 căn hộ có nhu cầu vay vốn.
Dự án Cải tạo, xây dựng lại khu tập thể dịch vụ vận tải đường sắt do liên danh Công ty Cổ phần Dịch vụ vận tải đường sắt và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển kiến trúc Hà Nội làm chủ đầu tư. Đây là dự án cải tạo lại khu tập thể cũ với 92 căn hộ (tổng diện tích sàn là 10.069m2), tổng mức đầu tư 125,3 tỷ đồng, có nhu cầu vay vốn.
Ngoài ra, trên địa bàn có 2 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chưa báo cáo về nhu cầu vay vốn đó là: Dự án Tổ hợp nhà ở thương mại dịch vụ chung cư AZ Thăng Long, huyện Hoài Đức do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư và Khu nhà ở cho người lao động tại khu công nghiệp Phú Nghĩa do Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ là chủ đầu tư.
Ảnh minh hoạ |
Trước đó, ngày 1/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Văn bản số 2308/NHNN-TD gửi các ngân hàng thương mại (NHTM), NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố hướng dẫn một số nội dung và yêu cầu triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ.
Sau hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua đã có 2 trong số 4 NHTM Nhà nước, gồm Agribank và Vietcombank công bố triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33 của Chính phủ.
Liên quan đến gói tín dụng này, thông tin về kết quả giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản hồi đầu tháng 8 vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, đến nay, có 9 tỉnh gửi văn bản công bố danh mục dự án tham gia chương trình tới NHNN với 23 dự án và 1 tỉnh công bố trên Cổng thông tin điện tử (Phú Thọ) với 3 dự án; tổng nhu cầu vay vốn của 26 dự án này là khoảng 12,8 nghìn tỷ đồng.
Ngày 16/6/2023, BIDV đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 1 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ tham gia chương trình với số tiền cấp tín dụng khoảng 95 tỷ đồng và đã giải ngân 20,5 tỷ đồng.
Agribank cũng đã cấp tín dụng đối với 1 dự án với số tiền cam kết cấp tín dụng là 950 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong quý 3. Đồng thời hiện nay, các NHTM đang chủ động tiếp cận với khoảng 16 dự án thuộc danh mục được công bố.